Tác giả: Vũ Anh Tú
Số trang: 312 trang
Giá: 58.000đ
Cuốn sách Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội dân gian người Việt ở châu thổ Bắc Bộ của TS. Vũ Anh Tú được xây dựng trên một khung lý thuyết hiện đại của văn hóa dân gian gắn liền với một hệ thống tư liệu đậm đặc chất phồn thực, khiến người đọc cảm nhận được tín ngưỡng phồn thực một cách rõ ràng và tường minh.
Tác giả đi sâu vào lý giải nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng phồn thực, coi đó là một hoạt động mang “tính thiêng” của con người với những biểu hiện phối ngẫu để cầu mong sự sinh sôi, nảy nở cho cây trồng và vật nuôi. Cội nguồn của tín ngưỡng của tác giả khái quát thành sáu nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của tín ngưỡng phồn thực, trong đó đáng chú ý là tín ngưỡng thờ Mẹ và đặc tính nông nghiệp gắn với các nghi lễ.
Nội dung cuốn sách đi sâu phân tích nguồn gốc hình thành, những biểu hiện, sự phân bố, đặc điểm… của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa của người Việt ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nói riêng. Tác giả đã chọn 90 lễ hội phòn thực ở đồng bằng Bắc Bộ để tiến hành lượng hóa, phân loại theo nội dung và hình thức. Ngoài ra, tác giả đã chỉ ra các yếu tố phồn thực ẩn mình trong trò chơi và trò diễn dân gian không dễ nhận ra để rồi sau đó, đặt chúng vào một hệ thống biểu tượng có ý nghĩa hằng số trong tâm thức văn hóa Việt. Từ đó, tác giả xây dựng được những tiêu chí nhận diện tín ngưỡng phồn thực trong mối quan hệ với các tín ngưỡng khác.
Bên cạnh đó, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển loại hình tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hóa Việt Nam đương đại. Đó là những đề xuất nhằm làm cho những giá trị truyền thống trong tín ngưỡng phồn thực nói riêng và văn hóa tâm linh nói chung được hóa thân trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng đương đại.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc quan tâm tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là về tín ngưỡng và tôn giáo.