Nghề y là một nghề cao quý, thầy thuốc là những người có trình độ tay nghề cao, giàu tình thương yêu, chăm sóc đến sức khỏe của người dân, họ rất xứng đáng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Có những người thầy thuốc mà dù qua đời đã lâu nhưng cuộc đời và sự nghiệp, tài năng và nhân cách của họ vẫn còn tỏa sáng mãi trong lòng mọi người, trở thành biểu tượng của ngành Y học nước nhà. Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước là một trong những người thầy thuốc như vậy.
Lòng say mê nghiên cứu và tinh thần yêu nước nồng nàn
Giáo sư Trần Hữu Tước sinh ngày 13-10-1913 tại Bạch Mai và lớn lên trong một gia đình nhà Nho có truyền thống hiếu học ở phố Hàng Cân, Hà Nội. Là một học sinh xuất sắc của Trường Albert Sarraut, Trần Hữu Tước được chọn gửi sang Pháp đào tạo và thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Paris. Năm 1937, ông bảo vệ xuất sắc luận án và được nhà trường giữ lại làm trợ lý cho Giáo sư Le Mée, chuyên gia Tai Mũi Họng nổi tiếng thời bấy giờ. Đây có lẽ sẽ là bước mở đầu quan trọng để bác sĩ Trần Hữu Tước nhanh chóng thành danh với một cuộc sống đầy đủ và nhiều hứa hẹn giữa Thủ đô Paris hoa lệ, nếu như không có những thay đổi, tiếp biến mạnh mẽ về quan điểm, tư tưởng, tình cảm trong ông.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sống và làm việc ở một đất nước xa xôi, nhưng bác sĩ Trần Hữu Tước vẫn luôn quan tâm đến tình hình của đất nước. Ông vui sướng, xúc động khi hay tin Cách mạng Tháng Tám thành công, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và lúc đó, trong lòng ông trào dâng lên một tình cảm yêu nước nồng nàn, thiêng liêng đến cháy bỏng, nó thôi thúc ông muốn trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình, để đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đất nước.
Và đúng như mong ước của mình, tháng 9-1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp theo lời mời của tổng thống nước chủ nhà, Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước đã trực tiếp xung phong đến phục vụ phái đoàn. Cảm phục tấm lòng của Bác, cùng với các trí thức yêu nước khác, ông đã theo Bác trên chiến hạm Dumiont d’Urville trở về Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong những ngày đầu của cách mạng, trước sự ngỡ ngàng, hoài nghi của không ít người. Sau này, sự hoài nghi đó đã được Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước trả lời chân thành, mộc mạc trong bài viết “Tôi tin vào Người, đời sống - tương lai” (ngày 1-2-1963), có đoạn:
“(…) Cũng có những người không hiểu, tại sao tôi lại về. Tôi chỉ mỉm cười, hay trả lời ngắn ngủi: “Về đất nước”!
Đó là một cái gì thiêng liêng khôn tả, khó nói ra lời, như khi trái tim đang ấp ủ một mối tình tràn ngập bao la, cần phải hạ giọng, dịu lời trong đêm khuya vắng! Người ngoài có thể không hiểu đến tâm tình chan chứa ấy, tưởng có mưu đồ gì đây mà phải bỏ cả tiền tài, địa vị, về trong lúc gian khổ, khó khăn?
Có gì khác là về để phục vụ!
Cái cao quý bình thường của phục vụ trong nghề thuốc, thật quả chỉ có trong chế độ ta mới có thể thực hiện được”1.
Đó chính là lý do duy nhất, xác đáng nhất để Giáo sư Trần Hữu Tước - người thầy thuốc chân chính trở về với Tổ quốc, để cống hiến tài năng, sức lực cho dân tộc. Ngay khi được phân công phụ trách Bộ môn Tai Mũi Họng tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội, nhận thức rõ trách nghiệm của mình trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam, Giáo sư Trần Hữu Tước đã làm việc hăng say cùng với các giáo sư khác tham gia đào tạo lớp y sĩ đầu tiên và nhiều lớp bác sĩ cho ngành quân y, dân y, thiết thực phục vụ cho đời sống, sản xuất, cũng như chiến đấu của quân và dân ta. Mặc dù, giảng dạy và nghiên cứu trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh đầy cam go, ác liệt, nhưng Giáo sư luôn giữ vững tinh thần lạc quan tin tưởng, thiết tha với sự nghiệp y tế, với nghành chuyên khoa Tai Mũi Họng. Giáo sư đã dành nhiều thời gian, công sức để chữa bệnh cho cán bộ, bộ đội và nhân dân, viết nhiều sách báo để phổ cập những kiến thức thông thường trong công tác phòng và chống các bệnh tai mũi họng.
Bác Hồ và GS Trần Hữu Tước sau Ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Ảnh Tư liệu
Năm 1954, khi hòa bình được lập lại, Giáo sư trở về Hà Nội, được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Với nhiệm vụ này, Giáo sư đã góp phần đáng kể xây dựng ngành Y tế Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 1969, Chính phủ cho phép thành lập Viện Tai Mũi Họng Việt Nam, Giáo sư được cử làm Viện trưởng. Với cương vị mới này, Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước đã đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ, xây dựng mạng lưới cơ sở. Ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu những căn bệnh liên quan đến tai mũi họng, mổ thành công nhiều ca phẫu thuật hiểm nghèo. Ông đã nghiên cứu và tổng kết 57 công trình nghiên cứu khoa học, đăng trên các tạp chí y học nổi tiếng thế giới và trong nước. Ông đã biên soạn nhiều cuốn sách phổ biến y học cho nhân dân, như: Thường thức Tai Mũi Họng trẻ em (1969), Bệnh Tai Mũi Họng thông thường (1972), Ung thư vòm mũi họng (1956), Ung thư hạ họng thanh quản (1983) và các cuốn sách giáo khoa về tai mũi họng khác. Đặc biệt, Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước đã hoàn thành cuốn sách Lịch sử y học (1979). Cuốn sách là một khối lượng thông tin khổng lồ, chứa đựng những quan điểm và học thuật cơ bản của y học trải qua hơn 2.000 năm hình thành và phát triển. Đây là một công trình có giá trị lịch sử, học thuật quan trọng, chứng tỏ trí tuệ uyên bác và tinh thần làm việc say mê của Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước.
Có thể nói, cuộc đời của Giáo sư Trần Hữu Tước gắn liền với sự nghiệp y tế cách mạng của dân tộc, là người có công lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển ngành Tai Mũi Họng Việt Nam về mọi mặt tổ chức, đào tạo cán bộ, chuyên môn kỹ thuật2. Quá trình làm việc, nghiên cứu không biết mệt mỏi của Giáo sư cùng với tình thương yêu dành cho bạn bè, đồng nghiệp, nhân dân luôn là tấm gương sáng để cho thế hệ nối tiếp sau học tập và noi theo.
Phần thưởng cho những cống hiến hết mình
Ngay từ khi quyết định từ bỏ vinh hoa phú quý trên đất người để trở về với cách mạng, đem hết tài năng và tâm huyết của mình phục vụ Tổ quốc, Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước đã để lại nhiều ấn tượng, tình cảm sâu sắc trong lòng trí thức, cán bộ, quân dân cả nước. Ông trở thành tấm gương mẫu mực để các thế hệ thanh niên, trí thức noi theo, cùng quyết tâm vững bước đi theo tiếng gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh dấn thân vào con đường giải phóng đất nước.
Khi về nước tiếp nhận công việc, dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, thiếu thốn mọi bề, nhưng Giáo sư vẫn lạc quan, tin tưởng vào cách mạng, cống hiến hết mình cho ngành Y học của nước nhà. Ở bất cứ cương vị nào, Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Cuộc đời và sự nghiệp, tài năng và đức độ của Giáo sư đã để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu cho những người làm nghề y, làm khoa học nước nhà. Ông thực sự là biểu tượng về tinh thần phấn đấu, rèn luyện, nâng cao y đức trau dồi y thuật của ngành Y học nước ta. Chính vì lẽ đó mà tháng 12-2014, Trường đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Trần Hữu Tước - tấm gương sáng về tài năng và y đức.
Cuốn sách đã phác họa một cách chân thực về cuộc đời của một người Việt Nam yêu nước nồng nàn, một trí thức tiêu biểu tài đức vẹn toàn, đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng, cho Tổ quốc và nhân dân. Chứa đựng trong đó là những tình cảm chân thành, sâu sắc của các thế hệ trí thức trong và ngoài ngành y dành cho vị Giáo sư, bác sĩ giàu tâm huyết - Trần Hữu Tước. Những tình cảm tốt đẹp đó chính là phần thưởng vô giá mà không phải ai cũng nhận được trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của mình. Sau đây là một trong những dòng viết xúc động của Đại tá, Thầy thuốc Ưu tú Lên Văn Nhuận - một học trò của Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước viết về người thầy đáng kính của mình:
“Từng lời dạy của Thầy thấm đượm tri thức và lòng yêu thương chân tình và đã trở thành kho kiến thức vô giá đối với tôi, được tôi ghi lại bằng 400 trang giấy. Nó đã theo tôi suốt những năm tháng cuộc đời làm nghề y của mình, sau này khi phục vụ chiến trường miền Nam mỗi khi gặp thắc mắc gì tôi như luôn có Thầy bên cạnh chỉ dẫn. Và cũng chính nhờ 400 trang giấy ghi đầy những lời giảng của Thầy đã giúp tôi trong việc góp phần đào tạo những bác sĩ, y sĩ trong kháng chiến chống Mỹ của ta và của nước bạn. Có thể nói đã có rất nhiều thế hệ bác sĩ đã gián tiếp trở thành học trò của Thầy như thế”3.
Không chỉ bạn bè, đồng nghiệp trong nước dành những tình cảm kính trọng đặc biệt dành cho Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp quốc tế cũng rất quý trọng, cảm phục ông. Khi hay tin Giáo sư qua đời, các giáo sư Pháp Yves Cachin, Jacques Lalande, những học trò và đồng sự của ông đã viết những bài ca ngợi công đức và tài năng của ông. Giáo sư Yves Cachin trong bài “Trần Hữu Tước giao lưu giữa hai dòng văn hóa” đã viết: “Mười tám tháng cộng sự hằng ngày giúp tôi nhận thấy tấm lòng nhân đạo, thái độ đôn hậu đối với bệnh nhân cũng như trình độ học vấn của ông. Ông là một nhà nhân văn, theo đúng nghĩa của nó, biết thâu nhận mọi nền văn hóa, hãnh diện về nền văn minh rất lâu đời của nước mình và nhạy cảm với các thông nhập của văn hóa Pháp”4.
Sự cảm phục, kính trọng của bạn bè, đồng nghiệp, học trò trong và ngoài nước đối với Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước là những tình cảm hết sức tự nhiên, chân thành, bởi trước một tấm gương cống hiến hết lòng vì dân, vì nước như vậy người ta không thể không thấy cảm động, biết ơn.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước, Đảng và Nhà nước ta cũng đã trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý cho ông: Danh hiệu Anh hùng Lao động; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…
*
* *
Đã 32 năm từ khi cuộc đời Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước khép lại nhưng những cống hiến không biết mệt mỏi và tình cảm chân thành mà ông dành cho ngành y cũng như sự ghi nhận, biết ơn của bạn bè, đồng nghiệp, nhân dân dành cho ông vẫn luôn còn mãi. Tấm gương sáng về tài năng và y đức của ông sẽ luôn được thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phấn đấu học tập và noi theo, để xứng đáng với những gì mà những người như ông đã cống hiến cho quê hương, đất nước.
ThS. Nguyễn Thị Thúy
*****
1, 3, 4. Trần Hữu Tước - tấm gương sáng về tài năng và y đức, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 121, 412, 529-530.
2. Xem Điếu văn do Bộ trưởng Y tế Đặng Hồi Xuân đọc trong buổi lễ truy điệu Giáo sư Trần Hữu Tước.