Trung Quốc là một trong những cái nôi của nền văn minh phương Đông nói riêng và nhân loại nói chung, là quê hương của hệ thống triết học lớn. Trải qua gần 40 thế kỷ phát triển liên tục, lịch sử triết học Trung Quốc bao hàm một nội dung cực kỳ phong phú với hệ thống triết học rộng lớn và sâu sắc; đặc biệt vấn đề con người trong triết học Trung Quốc cổ đại nói riêng và con người trong lịch sử Trung Quốc nói chung là một vấn đề trung tâm, nổi bật trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Các học thuyết triết học Trung Quốc cổ đại là phần tinh túy nhất của nền văn minh Trung Quốc cổ đại. Ngay từ những năm đầu Công nguyên, các học thuyết Trung Quốc đã du nhập và có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống văn hóa tinh thần dân tộc Việt Nam. Theo thời gian, các giá trị của tư tưởng Trung Quốc đã được tiếp thu và chuyển hóa một cách sáng tạo và trở thành những yếu tố tinh thần truyền thống mang bản sắc Việt Nam. Các yếu tố tinh thần ấy đang tồn tại thực tế và biểu hiện rõ nét trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc nghiên cứu các học thuyết triết học Trung Quốc cổ đại, đặc biệt về vấn đề con người, là hết sức cần thiết.
Cuốn sách Vấn đề con người trong các học thuyết triết học Trung Quốc cổ đại do TS. Cung Thị Ngọc biên soạn, góp phần giúp các nhà nghiên cứu, bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề trên. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
- Chương 1: Vị trí vấn đề con người trong các học thuyết Trung Quốc cổ đại;
- Chương 2: Nhận thức và giải quyết vấn đề con người trong một số học thuyết Trung Quốc cổ đại;
- Chương 3: Ảnh hưởng của một số tư tưởng nhân sinh Trung Quốc cổ đại trong nền văn hóa Việt Nam.