Tác giả: GS, TS. Đinh Xuân Dũng (Chủ biên)
Số trang: 460 trang
Trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, rất nhiều những vấn đề lớn đặt ra, nhiều vấn đề mới và phức tạp chưa được luận giải, nhiều những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trên các phạm vi, lĩnh vực cơ bản của đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại. Cần có sự tập hợp lực lượng để trao đổi, thảo luận, tranh luận, cùng nhau giải quyết các vấn đề đó, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ lành mạnh, đúng hướng của văn học, nghệ thuật thời gian tới: Cùng với sự chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trên, trước hết là của những nhà khoa học, những nhà hoạt động sáng tạo trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đó là công việc phải mang tính khoa học.
Để góp phần tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, do GS, TS. Đinh Xuân Dũng chủ biên.
Văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội diễn ra trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước và của tình hình quốc tế. Đó là bước phát triển mới, đồng thời là sự tiếp nối, phát huy và phát triển truyền thống và đặc trưng của văn học, nghệ thuật dân tộc trong lịch sử, đặc biệt từ năm 1945 đến năm 1990. Sự phát triển của đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam 20 năm qua vừa là sự vận động nội tại của chính nó, đồng thời còn chịu tác động của nhiều nhân tố khách quan trong chính giai đoạn đó. Đó là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, sự biến đổi công chúng nghệ thuật, quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội; tác động đa chiều của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế ngày càng sâu rộng. Những tác động đó cũng là bối cảnh, là hiện thực khách quan kích thích, gợi mở cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Do đó, việc nghiên cứu để tổng kết, từ đó đề xuất, phát triển quan điểm, đường lối văn nghệ của Đảng, xây dựng cơ sở lý luận của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, vừa mang tính cấp bách, thời sự.
Xuất phát từ tình hình trên, mục tiêu của cuốn sách được xác định như sau:
- Một là, phân tích, đánh giá tình hình của văn học, nghệ thuật Việt Nam, chủ yếu từ 1991 đến nay, trên các lĩnh vực cơ bản: sáng tác, lý luận và phê bình, sử dụng và truyền bá, chỉ đạo và quản lý, đào tạo và bồi dưỡng. Từ đó chỉ ra những thành tựu, những yếu kém, khuyết điểm và những vấn đề mới đặt ra cần nghiên cứu, giải quyết trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991.
- Hai là, nghiên cứu quá trình tìm tòi, xây dựng và phát triển quan điểm, đường lối của Đảng về văn học, nghệ thuật từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, chú trọng giai đoạn từ Cương lĩnh 1991 đến nay, góp phần tổng kết việc thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng.
- Ba là, đề xuất các nội dung đổi mới, góp phần phát triển đường lối, quan điểm văn học, nghệ thuật của Đảng; đề xuất mục tiêu, phương hướng cơ bản tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở những mục 8000 tiêu trên, ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách gồm có bảy phần:
Phần thứ nhất: Những vấn đề lớn của hiện thực đất nước và quốc tế từ 1991 đến nay – Bối cảnh và những tác động đối với quá trình xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam
Phần thứ hai: Đặc điểm của văn học, nghệ thuật Việt Nam từ năm 1945 đến 1990
Phần thứ ba: Thành tựu, đặc điểm mới và những hạn chế trong sáng tác văn học, nghệ thuật từ năm 1991 đến nay
Phần thứ tư: Tình hình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật từ 1991 đến nay
Phần thứ năm: Những vấn đề về quản lý nhà nước đối với sự phát triển văn học, nghệ thuật từ 1991 đến nay
Phần thứ sáu: Những vấn đề trong lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng từ 1991 đến nay
Phần thứ bảy: Phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp cơ bản để tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Qua những vấn đề mà các tác giả đã trình bày, chúng ta nhận thức được nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới là rất quan trọng trong quá trình đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước, góp phần củng cố và phát triển con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tình cảm, nhân cách và là một sức mạnh nội sinh độc đáo của dân tộc ta trong quá trình hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Chính vì ý nghĩa và vị trí đó mà nhiệm vụ này không chỉ thuộc về những người hoạt động trực tiếp trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật mà đó chính là nhiệm vụ, trách nhiệm to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta.
Minh Ý