Nước Mỹ, theo đánh giá của tác giả Subir Chowdhury, là một nước đi đầu trong lĩnh vực sáng tạo. Không một quốc gia nào trên thế giới có thể sánh ngang với Mỹ về năng lực sáng tạo và khả năng biến ý tưởng thành những sản phẩm mang tính cách mạng. Nhưng ngay sau khi sản phẩm đó được tung ra thị trường, nước Mỹ thường mất ngay thị phần vào tay nước khác - những đối thủ biết cách sản xuất lại sản phẩm đó với chất lượng cao hơn, chi phí thấp hơn và tốc độ nhanh hơn. Khi những công ty của Nhật và Hàn Quốc nhanh chóng chiếm được thi trường vì đã tập trung đầu tư vào chất lượng thì các công ty Hoa Kỳ bắt buộc phải tiếp tục "nhờ cậy" vào những sáng chế mới để giữ vững vị trí dẫn đầu.
Cuốn sách là một câu chuyện về sự nỗ lực và quyết tâm thay đổi của một nhà máy sản xuất kem địa phương để được bán kem cho một tập đoàn bán lẻ khổng lồ - một đối tượng khách hàng mà họ đã từng theo đuổi trong nhiều năm. Câu chuyện mang đến một thông điệp tuy ngắn gọn nhưng cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp hiện nay, đó là cần tập trung đúng mức vào yếu tố chất lượng trong từng sản phẩm mà mình thiết kế, sản xuất và tiếp thị, và cả trong môi trường làm việc, kinh doanh.
Subir Chowdhury là tác giả nhiều cuốn sách bestsellers như "The Power of six sigma" và "Design for six sigma", là chủ tịch Hội đồng Quản trị đồng thời là Giám đốc Điều hành của tập đoàn tư vấn ASI. Ông đã từng tư vấn cho các tổng giám đốc và các nhà lãnh đạo cao cấp trong nhóm 100 công ty lớn nhất do tạp chí Fortune bình chọn cũng như các doanh nghiệp khác trên khắp thế giới.