Yếu tố cơ bản và đặc thù nhất thể hiện sự phát triển của bất kỳ nền kinh tế nào chính là hệ thống sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống. Số lượng và chất lượng của hệ thống sản xuất không chỉ tùy thuộc vào công nghệ, kiến thức, kỹ năng, óc sáng tạo, sự tận tâm, tinh thần làm việc của chính những người trực tiếp sản xuất mà còn phụ thuộc vào năng lực của cấp quản lý điều hành.
Thông thường, nhân viên sẽ được chia thành từng tổ làm việc nhỏ với chức năng riêng hoặc liên quan đến nhau. Vì mỗi thành viên có suy nghĩ, cảm nhận, nguyện vọng cá nhân, kỹ năng và thái độ riêng đối với nhiệm vụ, do đó thường xảy ra tình trạng cá nhân không cân nhắc những lợi ích của việc hỗ trợ và hợp tác để cùng đạt được mục tiêu chung. Tình trạng này dễ nhận thấy nhất là trong buổi tập đầu tiên của bất cứ đội thể thao nào. Các vận động viên với những sở truờng, sở đoản riêng cảm thấy khó khăn khi kết hợp lối chơi với nhau. Huấn luyện viên giỏi là người biết tập hợp tài năng của mọi động viên, biết xây dựng lối chơi tập thể mà mọi người có thể phát huy điểm mạnh và bù đắp điểm yếu cho nhau.
Tương tự, trong môi trường làm việc, người quản lý hiệu quả là người có trách nhiệm giúp nhân viên của mình hiểu được rằng không có thành công nào là thành quả của cá nhân mà đều là kết quả từ những nỗ lực của nhiều người. Mỗi người đều chịu ảnh hưởng bởi thái độ và hành động của đồng nghiệp cũng như nhà quản lý. Nếu ảnh hưởng của môi trường làm việc là tích cực thì mọi người sẽ hoạt động hiệu quả theo. Còn nếu ảnh hưởng mang tính tiêu cực thì cá nhân lẫn tập thể làm việc đều kém năng suất.
Cuốn sách này trình bày các khái niệm mà những ai làm công tác quản lý có thể áp dụng để hiệu suất công việc được cải thiện và tinh thần làm việc của nhân viên tăng cao. Cuốn sách hướng dẫn từng nguyên tắc để chuyển đổi hoạt động của tổ, nhóm. Những khái niệm này tương đối dễ hiểu nhưng cần phải có sự nỗ lực và quyết tâm khi vận dụng chúng.