Cứ dấu mình trong một cái vỏ ốc liệu thành công và cơ hội có đến với bạn đẹp như bạn mong muốn. cái bạn cần là sự nổi trội và sự khác biệt.làm thế nào để khác biệt? làm thế nào để được nổi trội? Những câu hỏi khiến bạn suy nghĩ nên làm gì khi rơi vào trong trường hợp đó.Đã đến lúc nắm lấy cách tiếp cận mới để thay đổi. Một cách tiếp cận có nền móng từ khoa học, đảo lộn tư duy thông thường và cung cấp một cơ sở các cách thức đơn giản nhất, nhanh chóng và hiệu quả nhất để thay đổi cuộc sống.
Các bậc thầy về tự giúp mình và các huấn luyên viên về kinh doanh đều niệm câu thần chú đơn giản sau: Nếu muốn cải thiện cuộc sống, bạn cần thay đổi cách tư duy. Hãy buộc bản thân có những suy nghĩ tích cực và bạn sẽ vui vẻ hơn. Hãy mường tượng giấc mơ của mình và bạn sẽ tận hưởng thành công lớn hơn. Tư duy như một triệu phú và bạn sẽ giàu có một cách thần kỳ. Về lý thuyết, ý tưởng này có vẻ hợp lý đến hoàn hảo. Tuy nhiên, cách tiếp cận này trong thực tế lại thường chứng minh sự vô dụng đáng ngạc nhiên. Nghiên cứu chỉ ra rằng người ta vật lộn để liên tục suy nghĩ vui vẻ, rằng nhân viên vẫn chẳng làm được gì khi đang tạo ra những cái tôi hoàn hảo trong tưởng tượng, và rằng những giấc mơ về của cải vô tận đó không khiến họ thành triệu phú.
Vậy hãy ngổi thẳng lên, thở sâu và chuẩn bị Xé Nó Ra.Qua cuốn sách này, bạn sẽ được yêu cầu thay đổi hành vi của mình. Để nhấn mạnh thông điệp chính này, tôi sẽ mời bạn làm một điều mà tôi cho là bạn chưa từng làm. Tôi muốn bạn làm hỏng một số phần của cuốn sách này trong khi đọc.
Về tác giả
Richard Wiseman giảng dạy tại Đại học Hertfordshire tại Vương quốc Anh và là Giáo sư duy nhất về Tâm lý học Nhận thức Xã hội. Ông nổi tiếng trên thế giới với việc nghiên cứu những vấn đề khác thường như lừa dối, may mắn, hài hước và những điều huyền bí. Nghiên cứu của ông thường được truyền thông trích dẫn và được nhắc đến trong hơn 150 chương trình truyền hình trên toàn thế giới.
Richard Wiseman tác giả của
- Yếu tố may mắn
- Bạn có con Gorilla?
- Châm biếm học
- 59 giây
- Huyền bí
Trích đoạn
...Có hai xung đột chủ yếu trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Xung đột đầu tiên được hiện thực hóa bằng những trận chiến ác liệt giữa Mỹ cùng các lực lượng dân chủ khác với quân đội Cộng Sản đến từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Xung đột thứ hai diễn ra ở phía sau hàng rào dây thép gai bao quanh những trại tù nhân chiến tranh của Bắc Triều Tiên, và là những trận chiến cho lý trí và trái tim của những quân nhân Mỹ bị bắt trong các cuộc đấu.
Tình trạng chiến tranh chính thức đi đến kết thúc vào tháng 7 năm 1953, sau khi hai bên đồng ý chia Triều Tiên thành hai quốc gia riêng biệt. Đến tháng Giêng năm sau, người ta đã đóng cửa các trại tù binh và trả lại tự do cho các quân nhân. Chỉ đến khi đó xung đột thứ hai mới trở nên rõ ràng.
Sau khi các trại tù binh đã bị đóng cửa, hai mươi mốt người lính Mỹ đã lựa chọn ở lại đất nước cộng sản Triều Tiên, đứng về phía kẻ thù đã giết hơn 30.000 đồng bào và công khai tố cáo chính đất nước mình. Thêm vào đó, một số lượng đáng ngạc nhiên những quân nhân Mỹ sau khi trở về quê hương lại nói chuyện một cách hào hứng về sức mạnh của Chủ nghĩa Cộng Sản.
Gia đình, bạn bè của 21 người lính lựa chọn ở lại Triều Tiên đã rất choáng váng, nhiều các ông bố bà mẹ đã nói với tạp chí Time rằng: ‘Tôi sẽ không tin bất cứ điều gì ngoài việc thằng con của chúng tôi muốn trở về nhà.’ Nhà báo từ khắp nơi trên khắp thế giới đổ xô đến Triều Tiên để đưa tin về câu chuyện, và yêu cầu các nhà tâm lý học giải thích cho quyết định dường như là không tưởng đó. Một vài nhà nghiên cứu gợi ý có thể Triều Tiên đã tẩy não những người lính Mỹ bằng ánh sáng chớp và nhiễu trắng. Một số khác dự đoán việc sử dụng những dạng thôi miên cao cấp hoặc các loại thuốc thay đổi suy nghĩ. Tất cả đều sai.
Hiểu được chính xác những gì đã xảy ra với những người lính Mỹ giúp hé lộ cách sử dụng nguyên lý Như thể để thay đổi thế giới. Hành trình của chúng ta bắt đầu bằng chuyến đi mạo hiểm vào thế giới tâm lý của sự thuyết phục.
‘Đọc về tác hại của việc uống rượu đã khiến tôi từ bỏ đọc sách’
Chính phủ đã bỏ ra những số tiền lớn để cố gắng thuyết phục người dân bỏ thuốc, không uống quá nhiều bia rượu, và ăn những món ăn tốt cho sức khỏe. Những chiến dịch mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp này thường dựa trên một giả thuyết: Nói với mọi người rằng lối sống của họ là không tốt và rồi họ sẽ ngay lập tức thay đổi. Hãy để cho mọi người biết, ví dụ, rằng hút thuốc gây ung thư và mọi người sẽ thôi không châm thuốc nữa. Cho họ thấy đồ uống có cồn phá hủy cuộc sống của họ như thế nào và họ sẽ hạn chế uống. Chỉ ra đồ ăn giàu chất béo gây tắc nghẽn bên trong động mạch ra sao, và mọi người sẽ bắt đầu ăn nhiều hoa quả tươi. Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ đối với phương pháp thông minh này: hầu hết đều không có tác dụng.
Nhà soạn kịch người Ai-len Andrew Maxwell mới đây đã thực hiện một chương trình tivi, trong đó ông tham gia một chuyến đi với năm người có niềm tin vững chắc về một số thuyết âm mưu liên quan đến vụ 11/9. Một trong năm người này, Rodney, chắc chắn rằng tòa Tháp Đôi không bị phá hủy bởi hai chiếc máy bay đã bị không tặc khống chế, mà thay vào đó sụp đổ vì một vụ nổ được điều khiển bởi chính phủ. Một thành viên khác của nhóm, Charlotte, lại tin rằng những kẻ khủng bố không thể lái những chiếc máy bay đâm vào tòa Tháp Đôi khi chúng chỉ được đào tạo hạn chế như vậy.
Malwell đưa Rodney và Charlotte đến gặp rất nhiều các chuyên gia, những người có thể đưa ra những bằng chứng thuyết phục chống lại lý thuyết âm mưu của họ. Một chuyên gia về phá dỡ giải thích chuẩn bị đủ số thuốc nổ để phá hủy những tòa nhà cỡ như tòa Tháp Đôi là khó khăn đến mức nào. Một hướng dẫn chuyến bay chứng minh việc lái những chiếc máy bay hiện đại đối với một phi công là hết sức đơn giản. Những trải nghiệm này có làm lung lay niềm tin của Rodney và Charlotte hay không? Không hề. Cho đến tận cuối chương trình, cả hai vẫn không hề bị lay chuyển bởi những bằng chứng được đưa ra và cho biết họ sẽ tiếp tục tin rằng sự kiện 11/9 là sản phẩm của chính phủ Mỹ.
Tương tự như thế, vào năm 1997, các thành viên của Giáo phái Cổng Thiên đàng cho rằng họ sẽ sớm được đưa đi xa khỏi trái đất bằng một phi thuyền theo đuôi sao chổi Hale-Bopp. Vài tuần trước thời điểm Hale-Bopp được dự đoán đi vào gần trái đất, một số thành viên đã ghé thăm một cửa hàng bán các thiết bị khoa học, mua một chiếc kính viễn vọng đắt tiền. Qua những chiếc thấu kính công suất lớn, họ có thể nhìn thấy Hale-Bopp rất rõ, nhưng không thấy bóng dáng chiếc phi thuyền đâu. Sẽ là hợp lý nếu nghĩ rằng trải nghiệm đó sẽ khiến cả nhóm phải nghi ngờ niềm tin của mình. Thay vào đó, họ quay lại cửa hàng vào ngày hôm sau, giải thích rằng chiếc kính viễn vọng bị lỗi và đòi lại tiền.
Sẽ là thú vị nếu nghĩ rằng có một điều gì đó khá đặc biệt về mối quan hệ thiếu bền vững giữa bằng chứng và niềm tin ở Rodney, Charlotte và những thành viên truy tìm đĩa bay của Giáo phái Cổng Thiên đàng. Mặc dù có rất ít người tin rằng chính phủ Mỹ đã phá hủy tòa Tháp Đôi, hoặc rằng có phi thuyền phía sau những ngôi sao chổi, thì chúng ta ai cũng có những niềm tin khác với một mức độ chắc chắn tương tự. Và khi phải đối mặt với những bằng chứng đi ngược lại niềm tin đó, ai cũng đều có thể thực hiện một ‘bài thể dục tinh thần’, giống như những người tin vào lý thuyết âm mưu và hay các thành viên giáo phái đã làm. Cũng giống họ, chúng ta tìm kiếm sự đồng hành từ những người cùng tư tưởng, tránh những thông tin không ủng hộ quan điểm của ta, và đòi hỏi sự trung thực từ những người dám có thái độ không đồng tình. Bất chấp mong muốn được là một người logic, nếu sự thật không giống với những gì chúng ta tin tưởng, chúng ta sẽ dễ dàng phớt lờ nó một cách đáng ngạc nhiên.
Lấy ví dụ là một cuộc khảo sát về phản ứng của công chúng trước một báo cáo khoa học chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa hành động hút thuốc và bệnh ung thư. Một tỉ lệ ấn tượng 90 phần trăm những người không hút thuốc lá cho biết họ thấy báo cáo thuyết phục, so với chỉ 60 phần trăm số người hút thuốc có chung quan điểm này. Trong một nghiên cứu khác, đầu tiên người tham gia sẽ phải trả lời họ ủng hộ hay không ủng hộ một vấn đề quan trọng, chẳng hạn việc thay đổi khí hậu 4. Tiếp theo, mỗi người sẽ được đưa cho một số luận điểm liên quan, trong đó có một số đặc biệt đáng tin cậy (‘Thay đổi khí hậu gần như chắc chắn là do hiệu ứng nhà kính’) trong khi những luận điểm khác lại cực kỳ không hợp lý (‘Một số lượng lớn các nhà khoa học đã được đút lót để phát biểu rằng thay đổi khí hậu là có thật’). Người tham gia được yêu cầu đọc và ghi nhớ nhiều luận điểm nhất có thể. Nếu là những người có lý trí, họ sẽ nhớ cả những luận điểm hợp lý lẫn luận điểm không hợp lý. Trên thực tế lại xuất hiện một xu hướng, những người thuộc cả hai phe của cuộc tranh luận đều ghi nhớ những luận điểm hợp lý ủng hộ quan điểm của họ và cả những luận điểm phi hợp lý chống lại nó.
Cách nghĩ ‘Tôi đã quyết định rồi, đừng lấy sự thật ra để làm tôi bối rối nữa’ đã dựng nên một rào cản lớn khi chính phủ muốn thay đổi trái tim và khối óc của dân chúng. Cứ tiếp tục in câu ‘Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe’ bằng chữ màu đen lên các bao thuốc, và người nghiện thuốc sẽ vẫn tìm được cách để thuyết phục chính họ rằng châm thêm một điếu cũng không đến mức tồi tệ như thế. Nói với những người nghiện rượu nặng về tác hại của thứ đồ uống có cồn này, và họ vẫn tiếp tục tin rằng họ sẽ ổn thôi. Thực hiện một chiến dịch để phổ biến tầm quan trọng của việc ăn uống khoa học và những người thừa cân vẫn tiếp tục ngấu nghiến một lượng lớn bánh mì kẹp thịt cùng khoai tây chiên.
Nói và làm
Và sự thật còn tồi tệ hơn, khi mà đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Các nhà tâm lý học đã mất vài chục năm để tìm hiểu mối quan hệ giữa những gì mọi người nói họ sẽ làm và hành động thực tế của họ, đáng kể nhất là nghiên cứu của Leonard Bickman cùng đồng nghiệp của ông tại trường Cao đẳng Smith, Massachusetts.
Bickman muốn tìm được mối liên hệ giữa niềm tin của mọi người và hành vi của họ liên quan đến một thứ đơn giản như là rác thải. Ông đã cùng nhóm của mình tìm đến một khu phố đông đúc và hối hả, cố tình đặt những mẩu giấy nhăn nheo ở những vị trí cách thùng rác vài feet, ngay trên lối đi của khách bộ hành. Sau đó, cả nhóm đi sang phía bên kia đường và bí mật theo dõi tỉ lệ những người sẽ nhặt mấy mẩu giấy lên và bỏ chúng vào thùng rác. Hóa ra, người Massachusetts cũng không gọn gàng lắm, khi mà chỉ có 2 phần trăm khách bộ hành dừng lại, nhặt mẩu giấy lên và bỏ vào thùng rác.
Ở phần tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã gặp hàng trăm khách bộ hành sau khi họ ngó lơ rác thải vương vãi ở trên đường và hỏi: ‘Có nên coi việc dọn dẹp rác nếu nhìn thấy chúng là trách nhiệm của mỗi người, hay chỉ nên coi đó là nhiệm vụ của những người mà công việc của họ là dọn rác?’ Bao nhiêu phần trăm khách bộ hành đã nói rằng mỗi người đều nên góp chút công sức vào việc giữ sạch đường phố? Chỉ mười phần trăm? Bốn mươi? Hay sáu mươi? Trên thực tế, một con số ấn tượng 49 phần trăm nói họ cho rằng dọn dẹp rác thải là nhiệm vụ của mỗi người.
Nghiên cứu của Brickman chỉ ra rằng với rác thải, mọi người có trình độ ba phải rất cao, cho nên họ mới nghĩ một đằng nhưng lại cư xử theo hướng hoàn toàn ngược lại.
Háo hức để tìm hiểu xem mâu thuẫn kỳ lạ này có tồn tại trong các lĩnh vực khác của cuộc sống hay không, các nhà nghiên cứu đã hướng sự quan tâm của mình vào rất nhiều những chủ đề quan trọng khác, bao gồm cả đạo đức. Bạn có coi mình là một người có tư cách đạo đức không? Có nghĩa là một người mà thường cố gắng để làm những việc đúng đắn, giải quyết những tranh cãi theo hướng công bằng, và cư xử theo đúng mô tuýp đạo đức? Gặp phải những câu hỏi dạng này, gần như tất cả mọi người sẽ đánh dấu vào ô ‘Có, đó chính là tôi’. Nhưng liệu họ có thực sự có xu hướng hành động một cách có đạo đức? Nhà tâm lý học Daniel Batson, Đại học Kansas, quyết định đi tìm câu trả lời.
Batson cảm thấy thích thú với việc liệu một người tự cho rằng mình có đạo đức sẽ cư xử một cách có đạo đức, hay anh ta chỉ thích cái ý tưởng tỏ ra đạo đức mà không để tâm đến những chi phí liên quan (một hiện tượng mà Batson gọi đó là ‘đạo đức giả’). Trong một nghiên cứu của mình, đầu tiên Batson yêu cầu một nhóm người tham gia đánh giá đạo đức của bản thân thông qua một loạt câu hỏi. Họ có tin vào một thế giới công bằng hay không? Họ có thường làm những việc đúng đắn? Họ ích kỷ, hay có quan tâm đến hạnh phúc của người khác?
Một vài tuần sau, Batson mời lần lượt từng người đến phòng thí nghiệm, nhờ họ tham gia vào một nghiên cứu. Họ sẽ được cho biết là còn có một người nữa hiện tại đang có mặt ở phòng bên cạnh tham gia cùng. Rồi Batson giải thích một trong số họ sẽ nhận được chiếc vé xổ số có thể mang đến cho họ một khoản tiền thưởng rất lớn, trong khi người còn lại sẽ chỉ ngồi cộng các con số trong suốt ba mươi phút.
Tiếp sau đó, Batson nói rằng việc phân chia ai nhận được vé, ai phải ngồi cộng các con số sẽ được thực hiện bằng cách tung đồng xu, rồi hỏi người tham gia liệu đây có phải là cách công bằng hay không. Nếu người tham gia đồng tình, Batson sẽ giải thích rằng nếu đồng xu ngửa, tức là họ được nhận tờ vé số và danh sách các con số sẽ được dành cho người đang có mặt trong căn phòng bên cạnh. Ngược lại, nếu đồng xu úp tức là anh ta sẽ phải ngồi cộng các con số trong khi người còn lại nhận được tấm vé số.
Cuối cùng, Batson đưa đồng xu cho người tham gia, nói người đó đi ra ngoài hành lang, tung đồng xu trước khi quay lại và báo cho Batson biết nó úp hay ngửa. Ông cũng giải thích rằng mình không thể nào biết được đó có phải là kết quả thực tế hay không, cho nên phải hoàn toàn phụ thuộc vào những gì người tham gia nói.
Kết quả nhận được hết sức lạ lùng. Theo lệ thường, đồng xu phải ngửa ở một nửa trường hợp. Tuy nhiên, 90 phần trăm người tham gia đã quay trở lại phòng thí nghiệm với nụ cười hết cỡ, nói rằng đồng xu ngửa và đòi tờ vé số. Tóm lại, chắc chắn rằng một số lượng lớn người tham gia đã có chút không trung thực. Liệu những người mà trước đó đã tự đánh giá mình là rất có đạo đức có cư xử thật thà hơn những người còn lại? Gặp phải tình huống khó khăn, ngay cả những người mà trước đó tự cho rằng mình có phẩm chất đạo đức cũng rất khó để nói ra sự thật.
Phát hiện của Batson chỉ ra rằng, dù là với một thứ vững chắc và quan trọng như là đạo đức, thì thường niềm tin cũng không nói trước được hành vi...