Sách là kho tàng tri thức, là những kinh nghiệm, những công trình nghiên cứu được đúc kết lại một cách bài bản mà qua nó con người có thể tìm kiếm được những mọi thứ từ những cuốn sách tưởng chừng vô chi vô giác nhưng lại rất có hồn. Song không hẳn ai tiếp xúc với sách cũng hiểu được hết, khai thác được hết giá trị mà sách mang lại. Lạc vào thế giới của sách giống như bạn lạc vào một mê cung huyền bí nếu không có phương án, hướng đi và cách tiếp cận nó thì bạn mãi chỉ luẩn quẩn trong cái suy nghĩ, ý tưởng của chính mình mà không lĩnh hội được những thứ quý báu mà sách có thể mang lại. Cải thiện kĩ năng đọc sách là cách tốt nhất bạn có thể bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn suy nghĩ của chính mình.
Từ khi biết nói, bập bẹ từng từ tới khi đi học thầy cô chỉ dạy ta cách đánh vần, cách đọc những từ đơn giản rồi chính ta tự hình thành nên cách đọc của chính mình, chính vì vậy không phải cách đọc nào của ta cũng là khoa học cũng là hiệu quả. Có khi nào bạn quan tâm tới tốc độ đọc của mình về một cuốn sách? Một ngày bạn có thể dành ra 5 tới 6 tiếng đồng hồ chỉ để đọc một cuốn sách, nhưng bạn có thể đọc nhiều sách hơn thế trong khoảng thời gian đó nếu bạn có phương pháp đọc sách hiệu quả. Có một phương pháp giúp bạn có động lực hơn với lòng ham học hỏi và yêu sách của mình. “Bất cứ ai cũng có thể đọc nhanh. Nhưng chỉ có những người có kỹ năng đọc tốt mới có thể hiểu cuốn sách và áp dụng những gì họ đọc được vào cuộc sống thực tế“.
Đọc và hiểu được nội dung cuốn sách giống như một quá trình chúng ta chinh phục một đỉnh núi, khi lên tới đỉnh sẽ là cái nhìn mới về thế giới một cách khách quan hơn. Kiến thức trong sách được tác giả nhắc tới như “ bình cũ nhưng rượu mới” có thể đã từng hơn một lần bạn gặp nó trong nhữnng cuốn sách mình đã đọc, nhưng không phải ai khi nhắc lại đã nhớ tới. Cuốn sách Đọc Sách Siêu Tốc của Christian Grüning giống như một bản sơ thảo các bước đi mà bạn có thể thực hiện theo để có hiệu quả đọc sách tốt nhất. Đọc sách được tác giả ví như quá trình hình thành và lớn lên của một đứa trẻ qua giai đoạn từ “ bò” sang “ biết đi” ắt hẳn là yếu tố bản năng mà thầy cô chỉ dạy ta cách “bò- tiếp cận với sách” còn “biết đi- đọc hiệu quả” là chính bản thân mỗi người phải tạo dựng, hình thành nê. Bên cạnh việc chú ý tới tốc độ đọc thì việc hiểu và ghi nhớ cũng được tác giả đề cao giúp hình thành kĩ năng. Cuốn sách sẽ dẫn bạn đi từ giai đoạn chuẩn bị hành trình cho tới lúc bạn thu được thành quả. Mỗi câu chuyện mà tác giả đề cập tới như một dự án từ đặt ra vấn đề, phân tích vấn đề và đưa ra những phương án mà mọi người có thể áp dụng. Cuối cùng là điều mà mọi người mong đợi nhất đó là những kỹ năng mà mọi người có thể thu thập được sau khi đọc cuốn sách này.
Về tác giả
Christian Grüning là một luật sư. Ông từng giữ trọng trách thẩm phán tại tòa án. Tuy nhiên, ông đã quyết định đi theo con đường kinh tế tự do và điều hành “Học viện Grüning”, “Nhà xuất bản Grüning”. Bên cạnh đó, ông cũng được biết đến trong vai trò của một tác giả, giảng viên và nhà hòa giải các vấn đề kinh tế (CVM).
Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, ông đã thành lập một doanh nghiệp tư vấn nghiên cứu thị trường và các dự án công nghệ thông tin cũng như một hiệp hội tư đào tạo chuyên sâu. Trong vai trò trợ lý điều hành của một mạng lưới kiểm toán quốc tế, ông đã tổ chức các cuộc hội thảo về lập trình mạng khắp châu Âu. Trong quá trình tham gia đào tạo trẻ em của một trường năng khiếu cho giải vô địch trí nhớ thế giới, ông đã bắt đầu tập trung viết về một trong số rất nhiều lĩnh vực ông đã từng tham gia là kĩ thuật học và làm việc hiệu quả.
Trích đoạn
Bậc thầy tư tưởng và viết lách
Vào phần cuối của chương về tốc độ đọc sách, tôi muốn đề cập một chút xem, đối với những cuốn sách nào thì tiêu chí về tốc độ không phù hợp. Điều này đã được Phờ-ran-xit Ba-con chú tâm đến. Một trong những câu giá trị nhất của ông nói về việc đọc sách là:
“Một vài cuốn sách là để nếm, số khác là để nuốt và chỉ có số ít để nghiền ngẫm và tiêu hóa.“
Các bạn hãy so sánh sách cùng với rượu. Có những cuốn sách chỉ để người ta "thử" rồi sau đó xếp xó. Chỉ cần đọc lướt qua một lần, bạn sẽ thấy rằng cuốn sách này không đáng để đọc. Đối với một vài cuốn sách khá hơn, bạn sẽ nghĩ rằng, thật chuẩn nếu "nuốt" chúng ở trên một chuyến tàu. Bạn cần tìm kiếm một vài thông tin từ loại sách này, một khi bạn đã lấy đủ thông tin thì dường như việc đọc tiếp cuốn sách đó là một sự phí phạm về thời gian. Khi có trong tay một đầu sách hay, bạn sẽ muốn "nghiền ngẫm" nó, vì bên cạnh những thông tin thuần túy, bạn cũng sẽ trông đợi những kiến thức mới cũng như một sự thay đổi trong hành vi mà nó đem lại cho bạn. Những sách này phù hợp với phương thức đã được nêu ra ở chương "Cuốn sách dự án".
Và bây giờ, chúng ta hãy cùng đề cập đến những cuốn sách mà người ta cũng không kém phần thích "tiêu hóa". Đó là những cuốn sách vô cùng chất lượng và không bao giờ lỗi thời - những cuốn sách luôn nằm ngoài tầm với của bất kì một độc giả nào. Bạn phải "tiêu hóa" chúng từ thời gian này sang thời gian khác, để trưởng thành và cải thiện kĩ năng đọc phân tích của mình. Bạn sẽ ngạc nhiên vì mỗi khi đọc lại, mình lại thu nhận được thêm những điều mới mẻ, mặc dù bạn từ trước đến giờ đã nghĩ rằng, mình đã thông hiểu được cuốn sách đó. Từ những đầu sách này, con người ta có thể học hỏi cả đời.
Các bạn hãy tự giành cho mình những quãng nghỉ khi đọc sách để đi sâu và nghiền ngẫm. Thời gian bạn đọc qua cuốn sách chỉ đóng một vai trò rất nhỏ và hãy nhớ rằng trong 100.000 cuốn sách, chỉ có một cuốn chất lượng như vậy. Trên thực tế, có lẽ con số đó còn ít hơn rất nhiều. Tuy vậy, trước tiên, tôi vẫn muốn đọc những những cuốn sách tuyệt vời này từ đầu chí cuối không ngừng nghỉ với một tốc độ cao nhằm có một cái nhìn tổng quan. Bằng cách này, việc đi sâu phân tích sau đó sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Trong phần phụ lục trang 203, các bạn có thể tìm thấy một danh sách 25 cuốn sách làm thay đổi thế giới hay đã đi vào lịch sử văn học nhân loại do tính hiếm có và giá trị về mặt văn học của mình. Tất nhiên đây chỉ là một trích dẫn nhỏ trong số rất nhiều những cuốn sách tuyệt vời hiện có. Chính vì vậy, sự chọn lọc này sẽ luôn thúc đẩy việc phê bình và đánh giá. Tuy nhiện, phụ lục này có thể coi là một định hướng đầu tiên cho những người muốn làm quen với những đầu sách mang đẳng cấp thế giới hay những người mới bắt đầu đọc sách.