Ai cũng suy nghĩ trước khi hành động. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng phải có khoa học về sự suy nghĩ (gọi là khoa học tư duy), mà phổ biến là cho rằng suy nghĩ cũng như hít thở không khí, chẳng cần học. Vì vậy mà hành động đúng hay sai cũng là hú họa, nhiều khi phải trả giá đắt. Cuộc sống luôn luôn nảy sinh những nhu cầu mới chưa có cách giải quyết và con người luôn phải nghĩ ra cách để giải quyết những nhu cầu đó. Nhu cầu đây có thể là nhu cầu về vật chất, cũng có thể là nhu cầu về tinh thần, trong đó có nhu cầu hiểu biết, kể cả những nhu cầu hiểu biết chưa cần đến trước mắt như là dự trữ cho những nhu cầu tương lai, ví như sự sống trên các hành tinh. Mỗi lần có một nhu cầu mới được thỏa mãn thì cách thỏa mãn nhu cầu đó là một sự sáng tạo. Vậy sáng tạo là hoạt động của tư duy đi từ một sự vật A đến một sự vật B tiến bộ hơn A xét về mặt thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Trước đây, người ta cho rằng sáng tạo là khả năng bẩm sinh (gọi là năng khiếu), không thể dạy được, không thể học được vì sáng tạo là ngẫu hứng, chẳng có quy luật gì cả. Nhưng rồi người ta mổ xẻ hàng vạn sáng tạo cụ thể thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau của con người và dần dần đi đến một nhận thức chung là sáng tạo có quy luật và do vậy có thể dạy được, học được. Thế rồi đến năm 1990 có một hội nghị quốc tế ở Buffalo (Mỹ) đã khẳng định rằng có một khoa học về sáng tạo và đặt tên quốc tế cho nó là Creatology. Xin đặt từ Việt Nam tương ứng là sáng tạo học (STH) và từ đây sẽ viết tắt là STH.
Xin trân trọng giới thiệu!