Thói quen là những hành động, suy nghĩ, những tác phong, cách sống được lập đi lặp lại hàng ngày, không dễ gì thay đổi. Thói quen có thói quen xấu và có thói quen tốt. Thói quen xấu thường được hình thành tự phát, mang tính cá nhân, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và sự phái triển của trẻ. Thói quen tốt ít được hình thành tự giác mà phải thông qua giáo dục, bồi dưỡng, đặc biệt là giáo dục, bồi dưỡng kiên trì, thường xuyên và lâu dần mới có được. Đúng như một nhà giáo dục người Anh đã nói: "Trước hết chúng ta phải bồi dưỡng thói quen, rồi sau đó thói quen sẽ bồi dưỡng chúng ta". Một nhà văn đồng thời là nhà giáo dục Trung Quốc nói: "Mọi hành động của chúng ta phần lớn là do thói quen quyết định. Mọi thiên tính và lời hứa đều không có sức mạnh bằng thói quen. Có lẽ chỉ có sức mạnh tôn giáo mới so sánh được với nó! Dù cho người ta có nguyền rủa, có cam đoan hay thề thốt thì chẳng có tác dụng gì lớn lắm".
Qua các định nghĩa của các nha giáo dục về thói quen, chúng ta thấy thói quen có một sức mạnh cực kỳ to lớn, nó có thể thống trị và chi phối người ta suốt đời. Vì vậy có thể nói, sự thành công trong giáo dục trẻ là phải bắt dầu từ việc bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, như thói quen sinh hoạt, thói quen về phẩm chất đạo đức... Những thói quen này quyết định mọi tố chất của trẻ trong quá trình trưởng thành.
Bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ là nhiệm vụ cùa nhà trường, xã hội và gia đình. Cuốn sách nhấn mạnh vai trò của người lớn, đặc biệt là của những người làm cha, làm mẹ đối với việc bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ. Một khía cạnh nhấn mạnh khác của cuốn sách là vấn đề bồi dưỡng phải được tiến hành kiên trì, lâu dài, phải từ từ, thường xuyên, lâu dần mới có được. Cuốn sách còn giới thiệu nội dung các thói quen cần được bồi dưỡng cho trẻ rất phong phú, toàn diện, từ thói quen sinh hoạt, học tập, giao tiếp, ứng xử đến những thói quen về mặt tâm lý, thói quen biết sử dụng tiền hợp lý, thói quen biết chơi điện tử, biết yêu thiên nhiên, nghệ thuật, biết thưởng thức hội hoạ, âm nhạc...