Mục tiêu thật sự của cuốn sách Quyết Đoán là giúp bạn đưa ra những quyết định tốt hơn một cách quyết đoán (bằng sự tự tin thích hợp chứ không phải tự mãn quá mức). Cuốn sách sẽ giúp bạn đưa ra những lời khuyên hữu ích cho đồng nghiệp và người thân còn đang đắn đo lựa chọn; bởi vì nhìn ra những thiên kiến của người khác bao giờ cũng dễ dàng hơn tự xét chính mình.
Quyết Đoán tập trung vào những quyết định không thể chốt hạ trong vòng năm phút, ví như có nên mua xe mới, đổi việc làm hoặc chia tay người yêu hay không, có nên bắt đầu kinh doanh riêng hay không, làm sao để ứng xử phù hợp với một đồng nghiệp khó hợp tác... Khó đấy, nhưng hẳn đời người ai cũng phải đối mặt một vài lần với những quyết định như vậy.
Cuốn sách đưa ra một phương thức ra quyết định, đó là WRAP.
Trích đoạn
Thông thường linh cảm của con người không được kiên định cho lắm: biết bao nhiêu người xăm hình rồi lại xóa đi. Một nghiên cứu ở Anh với hơn 3,000 người cho thấy 88% mục tiêu đặt ra nhân dịp năm mới bị phá vỡ, 68% trong số những mục tiêu đó chỉ đơn giản là “tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.” Có nhiều người nổi tiếng nghỉ hưu, quay lại làm việc, rồi lại nghỉ hưu.
Nếu ta không thể tin vào linh cảm, vậy nên tin vào cái gì? Rất nhiều doanh nhân đặt niềm tin vào những báo cáo phân tích cẩn thận. Để kiểm chứng niềm tin này, hai nhà nghiên cứu, Dan Lovallo, giáo sư trường Đại học Sydney và Olivier Sibony, giám đốc công ty McKinsey, đă điều tra 1,048 quyết định kinh doanh trong vòng năm năm, theo dõi cách đưa ra quyết định và những hệ quả theo sau ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, và thị phần. Đó là những quyết định quan trọng, chẳng hạn như ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ mới, thay đổi cấu trúc công ty, mở rộng thị trường ra một quốc gia mới, hoặc mua lại hãng khác.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trước khi đưa ra hầu hết quyết định, nhóm đối tượng đã tiến hành phân tích chính xác. Họ thu thập, biên soạn các mô hình tài chính và xét phản ứng của nhà đầu tư trước quyết định của họ.
Không chỉ phân tích, Lovallo và Sibony còn hỏi các nhóm đối tượng về phương thức ra quyết định khi đưa ra quyết định của họ - một khía cạnh khó cân đo đong đếm được hơn trong các quyết định. Họ có thảo luận triệt để về tất cả những gì chưa rõ ràng không? Họ đã tính đến những khả năng đối lập vói quan điểm của ban điều hành cao cấp chưa? Họ có kêu gọi sự tham gia của những người có lập trường khác biệt về quyết định này không?
Khi những nhà nghiên cứu so sánh điều gì gây ảnh hưởng nhiều hơn, phương thức hay những phân tích trong việc đưa ra quyết định hiệu quả nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận, và thị phần; họ nhận thấy phương thức ra quyết định ảnh hưởng nhiều hơn, cụ thể là gấp sáu lần. Thông thường một phương thức xử lý hiệu quả giúp hoạt động phân tích tốt hơn - chẳng hạn như chỉ ra những lỗi sai logic của ta. Nhưng điều ngược lại không tồn tại: “Phân tích tuyệt đối đúng vẫn là vô nghĩa nếu như trong quá trình xử lý không xem xét những kết quả phân tích ấy một cách đúng mực.”