NHÌN LẠI CÁCH SỐNG CỦA CHÚNG TA TRONG THỜI HIỆN ĐẠI
Chúng ta đang sống trong một thời đại lo âu, đầy biến cố, tương lai bất định. Vật chất đầy đủ nhưng tinh thần không thanh thản. Ăn ngon mặc đẹp nhưng vẫn thiếu quốc pháp gia phong. Tự do cởi mở nhưng đây đó vẫn tồn tại những vùng khép kín. Chỉ cần có ý chí là có thể làm được tất cả và có trong tay mọi phương tiện vậy mà con người vẫn bi quan chán chường, không ít những vụ bê bối, thậm chí tội ác.
Vì sao lại có tình trạng tiêu cực như vậy trên phạm vi toàn xã hội? Có lẽ, do nhiều người không tìm thấy ý nghĩa và giá trị cuộc đời, đánh mất phương châm sống. Theo tôi, những hỗn loạn trong xã hội hiện nay bắt nguồn từ việc thiếu vắng nhân sinh quan. Mà không chỉ riêng tôi nghĩ như vậy.
Điều khẩn thiết nhất trong thời đại hiện nay chẳng phải là câu hỏi cơ bản – Lẽ sống của con người là gì? – hay sao? Trước hết phải thiết lập nền tảng triết học cho cuộc đời và phải dũng cảm đối mặt với mọi vấn đề. Từ “triết học” tôi nói ở đây có thể thay bằng các từ “quan điểm” hoặc “tư tưởng” đều được.
Đó có thể là hành động vô vọng giống như tưới nước cho sa mạc, khó khăn chẳng khác nào đóng cọc xuống đáy biển khi thuỷ triều dâng. Tuy vậy, đây lại là câu hỏi thẳng thắn, rõ ràng và có ý nghĩa lớn lao trong thời đại mà đây đó có xu hướng khinh thường những người lao động miệt mài thầm lặng.
Nếu chúng ta không nhìn lại cách sống của mình từ gốc thì tình hình sẽ ngày càng trầm trọng, hỗn loạn trong xã hội ngày càng lan rộng, tương lai ngày càng mờ mịt. Chắn chắn rằng không phảỉ riêng tôi cảm nhận được nguy cơ và mang trong lòng nỗi lo lắng bồn chồn như vậy.
Trong cuốn sách này, tôi muốn nhìn lại cách sống của con người từ chính diện, xem xét bản chất sự vật từ cốt lõi và nói thẳng thắn những suy nghĩ của mình. Tôi muốn xem xét lại từ cội nguồn, ý nghĩa cuộc sống và định hướng tương lai, muốn đóng một cây cọc nhỏ bé xuống dòng nước chảy xiết của thời đại.
Đối với tôi, không có gì vui hơn khi bạn đọc có thể qua cuốn sách này tìm thấy niềm vui trong đời, hoặc lời giải đáp cho những vấn nạn để sống hạnh phúc.
SỐNG LÀ QUÁ TRÌNH MÀI GIŨA TÂM HỒN
Ý nghĩa cuộc sống là gì? Mục đích đời người ở đâu?
Đối với những câu hỏi – có thể coi là cơ bản nhất – như trên thì tôi xin được trả lời thẳng thắn như sau: Ý nghĩa cuộc sống của con người là nâng cao nhân cách và sống là quá trình mài giũa tâm hồn.
Đặc tính của loài động vật cấp cao – con người – là dễ bị sa ngã trước cám dỗ. Nếu không tự kiềm chế, cứ buông theo bản năng thì con người sẽ chạy theo những ham muốn, thèm khát vô độ, tiền tài, danh vọng… và sẽ chết chìm trong những lạc thú tầm thường.
Đúng là để sống, chúng ta cần có cái ăn cái mặc, cần có tiền bạc để có thể ngày một sung túc hơn; mọi năng lượng sống cũng nhằm vào mục tiêu thỏa mãn những khao khát tự nhiên. Tôi không điên đến nỗi phủ nhận điều này.
Thế nhưng, dù có thủ đắc những thứ ấy bao nhiêu đi chăng nữa trên đời này thì khi sang thế giới bên kia, chúng ta cũng không thể mang theo chút gì. Chúng ta phải bỏ lại tất cả những gì thuộc về thế giới trần tục này trước khi từ giã.
Chỉ duy nhất có một thứ không bị mất đi, không bị bỏ lại khi con người bước vào cuộc hành trình mới – đó là “tâm hồn”.
Vì vậy, khi người ta hỏi tôi: “Ông đã làm được gì trong cuộc sống?” thì không một chút do dự, tôi trả lời rằng: “Trở thành con người tốt hơn so với khi được sinh ra”. Cụ thể là tôi mang theo tâm hồn thanh cao hơn, đẹp đẽ hơn dù chỉ một chút, đến với cõi bất tử.
Sống trong thế giới đầy cám dỗ, nếm đủ vị sướng khổ, trôi dạt theo cơn sóng hạnh phúc - bất hạnh, và biết rằng chẳng bao lâu nữa sẽ từ biệt chốn này, tôi đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Nỗ lực ấy giống như quá trình mài giũa tâm hồn, nâng cao nhân cách, tu dưỡng tinh thần, để có thể mang sang thế giới bên kia những gì tốt đẹp hơn so với khi mới đến thế gian này.
Tôi cho rằng mục đích sống của con người không có gì cao quý hơn điều đó. Vì thế, tôi thật sự nỗ lực mỗi ngày, hôm nay phải tốt hơn hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay.
Chẳng phải là mục đích và giá trị cuộc sống của con người là ở quá trình rèn luyện không biết mệt mỏi đó, ở những hành vi có ý thức đó, ở những nỗ lực không ngừng nghỉ tìm kiếm con đường độc đạo đó hay sao?
Đời người sướng ít khổ nhiều. Đôi khi chúng ta oán trách Trời Phật vì không hiểu sao mình phải khổ sở vất vả như vậy. Nhưng, các bạn cần hiểu rằng những nỗi cơ cực đó chính là những thử thách trong quá trình mài giũa tâm hồn. Sự vất vả chính là cơ hội tuyệt vời để chúng ta rèn luyện nhân cách.
Chỉ những người dũng cảm chấp nhận thử thách, coi thử thách là cơ hội mới có thể sống trọn vẹn cuộc đời ngắn ngủi này. Kiếp sống này là quãng thời gian chúng ta được Trời Phật ban cho để thấy giá trị của đời người, để hân hưởng và làm gia tăng giá trị ấy.
Nâng cao nhân cách, mài giũa tâm hồn chính là ý nghĩa cuộc sống của con người.
Đó là điều đầu tiên mà tôi muốn trao đổi với các bạn.
NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC CHÂN PHƯƠNG LÀ KIM CHỈ NAM BẤT DI DỊCH.
Tuỳ theo cách sống mà tâm hồn chúng ta được mài sáng lên hoặc trở nên tối tăm. Tâm hồn trở nên thanh cao hay thấp hèn phụ thuộc vào việc chúng ta đã và sẽ sống như thế nào.
Trên đời có không ít người tài năng nhưng sống lầm lạc vì tài năng không song hành với đạo đức. Ngay cả trong giới kinh doanh mà tôi là một thành viên, cũng không ít người trở nên bê bối chỉ vì lòng tham và thói ích kỷ.
Nhiều người do quá tự tin vào tài năng của mình nên đã chọn con đường lẽ ra không nên chọn. Đúng như người xưa có câu: Người tài chết vì tài. Hành động của nhiều người giỏi giang lại giống như tự mình thắt cổ mình. Họ tự tìm đến thất bại do quá ỷ vào tài năng dù cũng có đôi lần thành công. Càng có tài hơn người lại càng phải có la bàn dẫn lối để có thể đi đúng hướng.
Quan niệm, tư tưởng hay tư duy triết học đúng đắn chính là cái la bàn ấy.
Thiếu tư duy triết học, quan niệm sai lầm, cộng với kém nhân cách thì dù có tài đến mấy cũng lầm lạc. Hiện tượng này không chỉ xảy ra trong giới doanh nhân mà còn xảy ra với bất kỳ ai.
Có thể dùng phương thức toán học để diễn đạt: Nhân cách con người = Tính cách + Tư duy triết học.
Tính cách con người là do bẩm sinh. Tư duy triết học, quan niệm, tư tưởng là những gì mà con người có được trong quá trình sống và học tập. Nhân cách được tạo thành từ hai mặt đó.
Nói cách khác, nhân cách hay tâm hồn con người được đúc ra từ hai chất liệu: tính cách bẩm sinh và tư duy triết học (hay quan niệm, tư tưởng).
Theo lôgic đó, nhân cách của con người sẽ được quyết định bởi cuộc sống của người đó dựa trên tư duy triết học nào, quan niệm hay tư tưởng nào. Nếu không có gốc tư tưởng vững chãi thì cây nhân cách không thể vững vàng, thân to, cành khoẻ được.
Vậy chúng ta cần trang bị cho mình thứ tư duy triết học nào? Đó là câu hỏi cơ bản: “Ta có sống đúng với đạo làm người hay không?”. Cụ thể là những lời dạy của cha mẹ đối với con cái, là những bài học luân lý, đạo đức được chắt lọc suốt chiều dài lịch sử.
Tập đoàn Kyocera được hình thành từ một công ty nhỏ do một số người lập ra khi tôi mới 27 tuổi. Lúc đó, tôi hoàn toàn là kẻ ngoại đạo, không có kiến thức, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi chưa biết bằng cách nào có thể duy trì và phát triển công ty. Sau một thời gian dài suy nghĩ, đắn đo, lúng túng, tôi quyết định sẽ tiến hành mọi việc căn cứ trên đạo làm người.
Theo đúng đạo làm người là thế nào? Cụ thể là: Ngay thẳng. Chính trực. Không tham lam. Không ích kỷ. Không dối trá. Không làm hại người khác … Tất cả những nguyên tắc đạo đức giản dị trên đây - ai cũng từng được cha mẹ dạy từ thuở thơ ấu, nhưng khi lớn lên thường quên mất - đã trở thành kim chỉ nam, thành phương châm kinh doanh, thành chuẩn mực hành xử của công ty.
Dù lúc đó tôi chưa có hiểu biết bao nhiêu về kinh doanh nhưng tôi tin tưởng tuyệt đối rằng bất kể kinh doanh kiểu nào, nếu vi phạm và đi ngược với đạo đức làm người thì nhất định sẽ thất bại.
Đó là tiêu chuẩn rất chân phương, là nguyên lý ai cũng hiểu. Dựa vào tiêu chuẩn đó, nguyên lý đó, tôi điều hành công ty, đi đúng đường, không lạc lối. Và cũng tiêu chuẩn đó, nguyên lý đó đã dẫn dắt tôi đến với thành công trong sự nghiệp.
Nếu hỏi tôi lý do thành công thì có lẽ chỉ có thể nói như vậy. Tức là, luôn đòi hỏi bản thân theo đúng với đạo làm người. Đó cũng là phương châm đơn giản nhưng đầy sức mạnh.
Tôi luôn khắc sâu trong tâm khảm điều quan trọng nhất và nỗ lực giữ gìn điều đó suốt cuộc đời: Mình có hành xử sai với đạo làm người không? Mình có đi ngược lại với luân thường đạo lý căn bản không?
Trong xã hội Nhật Bản hiện nay, hễ cứ đề cập tới luân lý đạo đức là không ít người thành kiến, cho rằng đó là cách nghĩ cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp với thời đại. Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II, đã nhìn vấn đề luân lý đạo đức như một điều cấm kỵ do kinh nghiệm xương máu từ việc “nhồi sọ tư tưởng thông qua luân lý đạo đức thời kỳ chiến tranh”.
Tuy nhiên, luân lý đạo đức tôi nói ở đây là thứ luân lý đạo đức được kết tinh từ trí tuệ loài người đã bao đời nay, đã trở thành tiêu chuẩn căn bản, thành chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày.
Người Nhật hiện đại chạy theo lợi lộc thực dụng đã để mất nhiều thứ quý giá, từ bỏ cả những tập quán tốt đẹp đã được hình thành từ xa xưa chỉ vì cho rằng nó cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp với thời đại, trong đó có luân lý đạo đức.
Thế nhưng, giờ đây chúng ta phải đánh giá lại, xem xét lại những nguyên tắc sống cơ bản của con người. Cuộc sống đòi hỏi phải trở lại các chuẩn mực kinh điển đó.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tìm lại những di sản tinh thần quý báu của cha ông.