Hỏa hoạn và Thủy nạn là hai đại họa đã lấy đi rất nhiều tài nguyên và nhân mạng của quốc gia. Những tai nạn giao thông tuy lẻ tẻ và không có diện rộng như hai họa trên nhưng kỳ thực đã làm tổn thất nhiều sinh mạng hơn cả…
Trong vụ hỏa hoạn xảy ra ở Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC tại Tp. Hồ Chí Minh năm 2002, đồng bào ta đến xem đông nghẹt nhưng không có ai hăng hái xông vào cứu người bị nạn như một ngoại kiều đang công tác ở Việt Nam, điều đó không có nghĩa là họ thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại, mà vì chưa được học tập để cứu nạn, nên khi hỏa hoạn đột ngột xảy ra họ chẳng biết phải hành động thế nào ngoài việc hoảng loạn, chạy dáo dác làm cản trở thêm cho công cuộc chữa cháy.
Đã có những cái chết thảm thương, như trường hợp năm em học sinh trường PTTH Đống Đa ở Đà Lạt rủ nhau lên đồi thông yên tĩnh để ôn bài, trước khi về xuống hồ Đa Thiện để rửa tay chân, một em trượt té, các bạn nhảy xuống cứu, nhưng vì không biết bơi chết chùm bốn mạng… Rồi đến vụ đò chìm trên bến Cà Tang làm mười tám học sinh bị nước cuốn trôi gây xúc động mọi người, tiền của quyên được khá nhiều để hỗ trợ gia đình các nạn nhân nhưng đâu bù đắp được nỗi đau mất con; chiếc cầu Nông Sơn được xây khá kiên cố do nhiều tập thể và cá nhân hảo tâm đóng góp nhờ sự kêu gọi của báo Tuổi Trẻ… nhưng còn bao nhiêu bến sông trên đất nước với những hiểm họa đang chờ đón các em học sinh và cả người lớn thì làm sao ngăn ngừa trước được?!
Nếu Đoàn, Hội và tất cả các đoàn thể Thanh Thiếu Niên, nhất là đội ngũ học sinh là tập thể đông đảo nhất, được huấn luyện cách cứu nạn thì chẳng những sẽ giới thiệu sự thiệt hại của bản thân các em mà còn giúp ích rất nhiều cho đồng bào ta.
Ở trường, nên dành một số giờ thể dục để tập cho các em bơi lội và thao tác phòng cháy chữa cháy (cũng chạy đua, vượt giàn giáo…) trong giờ sinh hoạt học đường cần chỉ giáo cho các em kỹ năng cứu nạn; trong phần hướng dẫn luật lệ giao thông, nên thêm một số kiến thức cấp cứu tai nạn xe cộ... Nếu được ôn luyện thường xuyên qua bảy năm Trung học, chắc chắn sẽ thuần thục và hữu hiệu trong việc giúp ích thân nhân, để các em thực hành châm ngôn “Mình vì mọi người…” theo tinh thần xã hội chủ nghĩa.
Mục lục:
Lời nói đầu
Phần I: Cấp cứu hoả hoạn
Yếu tố gây nên hỏa hoạn - tam giác lửa
Phân loại hỏa hoạn
Các loại hỏa hoạn
Phòng cháy hơn chữa cháy
Những điều cần biết khi chữa cháy nhà
Những điều cần biết về cháy rừng
Phần II: Cứu người
Để hộ thân và muốn cứu người: Phải biết bơi
Cách vớt người bị thủy nạn
Cách cấp cứu người bị chết đuối
Cách đề phòng chết đuối
Những điều cần lưu ý
Phần III: Trường hợp tai nạn giao thông
Sách tham khảo