Trong Những trò quỷ quái không trái lương tâm, Hugh MacLeod sẽ tiết lộ cho chúng ta nhiều điều về kế hoạch làm ăn của ông, cùng những bạn bè khác: từ cửa hàng thịt khu vực ngoại ô đến một anh thợ may sống ở tỉnh lẻ... trong thế giới ngày một phẳng hơn này đã được (gần như) cả thế giới biết đến.
Những ý tưởng cũ nhưng khi đưa vào thực hiện lại mang một sắc thái mới, đầy gian nguy nhưng đôi lúc cũng đơn giản đến bất ngờ. Để có được điều đó, như Hugh tiết lộ, chúng ta cần kiên nhẫn – hãy đầu tư thời gian – và sự chân thành. Mặc dù xuất hiện trong thế giới ảo nhưng hãy thể hiện con người thật của mình. Điều này thật đúng, không phải chỉ là để bán hàng, xây dựng thương hiệu cá nhân mà chỉ đơn giản là thêm bạn kết bè thì cũng cần phải thể hiện rõ cái tôi – một sự mạch lạc, xuyên suốt từ cuộc sống.
Những điều hiển nhiên được đưa ra minh chứng rất rõ ràng, “Tiếng lành đồn xa”, đồng thời “Tiếng dữ cũng đồn xa luôn”, mà nói theo cách của Hugh thì “Tin xấu là, Gian Kế của bạn càng hay thì sẽ càng có nhiều người ghét bạn. Tin tốt là, Gian Kế của bạn càng hay thì sẽ càng có nhiều người quý bạn.” Nghĩa là sao? Là thế đấy. Cái gì cũng có hai mặt của nó, và điều duy nhất chúng ta cần làm là đối mặt với nó thôi. Chấp nhận thực tế là khi thể hiện được đôi chút tài năng được ông Trời ban phát thì thể nào cũng có kẻ ném đá vào chúng ta, nhưng đồng thời lại có những người cổ vũ nhiệt thành, coi chúng ta như nguồn cảm hứng sáng tạo mới với họ. Dù thế nào đi nữa, điều đó cũng thật tuyệt, vì ít ra chúng ta không còn phải chôn giấu tài năng ấy ở đâu đó nữa, như là núp bóng một kẻ vĩ đại nào đấy chẳng hạn, nhờ họ nói những lời mà đúng ra là của mình. Nay thì bạn tự đứng ra để nói lên thứ tiếng ấy!
Bạn đọc cũng dễ nhận thấy, có thể Hugh quá tôn sùng văn hóa blog, có lẽ vì ông đã thu nhặt được nhiều điều từ thứ này, nhưng tin tôi – và Hugh đi, blog thực sự đem lại điều gì đó, khi chúng ta Chân thành – Tập trung – Hiểu biết, chứ không phải là Khoe khoang (đi chỗ này chỗ kia, gặp người này người nọ, ăn món nọ món kia...) – Giả tạo (đánh bóng bản thân, nói những vấn đề to tát chẳng ích gì cho ai và chẳng ai hiểu nổi...) – và chỉ để Đánh bóng cái tôi bản thân to tướng.
Đồng thời, bạn đọc cũng sẽ nhận ra “chất” của Hugh trong cuốn sách này, vẫn những lời lẽ ngắn gọn, hóm hỉnh, sự thông minh, hài hước; và những bức tranh biếm họa (tất nhiên rồi) thú vị. Như Hugh nói, luôn là một món quà ông tặng cho độc giả, chứ không phải nhằm một mục đích thương mại nào đó – mặc dù ông vẫn phải kiếm tiền đấy chứ - nhưng đường dẫn tới những tác phẩm thương mại thì được đặt ở chỗ khác kia, và ai thực sự muốn mua thì xin hãy tới đó...
Một lần nữa với bạn đọc Việt Nam, Hugh đã trở lại (và tất nhiên là lợi hại hơn xưa). Một Những trò quỷ quái không trái lương tâm hoàn hảo là thứ chúng ta gặt hái được sau khi kết thúc cuốn sách này, cũng là một món quà Hugh tặng cho độc giả.