Nổi dậy, như thuật ngữ tôi dùng, là hiện tượng tinh thần. Sự tiếp cận của nó là tuyệt đối cá nhân. Quan điểm của nó là, nếu chúng ta muốn thay đổi xã hội thì chúng ta phải thay đổi cá nhân. Xã hội không tồn tại trong chính bản thân nó; đó chỉ là từ ngữ, giống như “đám đông” – nếu bạn liên tục tìm kiếm nó thì bạn sẽ không tìm ra nó ở bất kỳ nơi đâu. Bất kỳ nơi nào bạn đối mặt với một người nào đó thì bạn cũng đối mặt với cá nhân. “Xã hội” chỉ là cái tên chung – chỉ là tên mà không phải là thực tại – không là cốt lõi.
Cá nhân có linh hồn, có khả năng tiến hóa, thay đổi, chuyển hóa. Do vậy, sự khác biệt là rất lớn.
Nổi dậy là nội dung cốt lõi nhất của tôn giáo. Nó mang sự thay đổi tâm thức đến cho thế giới – và nếu tâm thức thay đổi, thế thì cấu trúc của xã hội buộc phải thay đổi theo, và ngược lại là điều không thể, (...).
Không một cấu trúc xã hội nào đã từng thành công trong việc biến đổi con người; nhưng có vẻ như chúng ta không nhận ra được thực tại. Chúng ta vẫn liên tục nghĩ về việc thay đổi xã hội, thay đổi bộ máy quan liêu, thay đổi lề luật. Hàng ngàn năm nay, con người vẫn như vậy. (...)
Phật Gautam, Zarathustra, Jesus – những người đó là những người nổi dậy. Niềm tin của họ là vào cá nhân. Họ cũng đã không thành công nhưng thất bại của họ là hoàn toàn khác với thất bại của xã hội. Những cuộc thử nghiệm xã hội đã thử những phương pháp của chúng ở nhiều quốc gia, theo nhiều cách, và đã thất bại. Nhưng sự tiếp cận của Phật Gautam đã không thành công bởi vì nó đã không được thử thách. (...). Nổi dậy vẫn là khía cạnh chưa được khám phá.