“TÂM HỒN LƯỚT SÓNG”
CUỐN SÁCH NGỢI CA Ý CHÍ VÀ NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG CỦA CÔ BÉ 13 TUỔI – BETHANY HAMILTON
First News - Trí Việt vừa hoàn tất hợp đồng bản quyền và xuất bản cuốn sách Tâm Hồn Lướt Sóng (nguyên bản: Soul Surfer). Nhân vật của cuốn tự truyện này là Bethany Hamilton - một cô bé 13 tuổi có sở thích và mối quan tâm như hầu hết các bạn ở cùng độ tuổi như âm nhạc, phim ảnh. Ngoài ra, Bethany còn có một đam mê vô tận, đó là lướt sóng. “Trong máu cô ấy có nước biển” - bạn bè và người thân vẫn thường nói như vậy về đam mê lướt sóng của Bethany. Nhưng rồi một tai nạn đã xảy ra: trong một lần lướt sóng vào đúng ngày Lễ Hallowen của năm 2003, Bethany đã bị một con cá mập hung dữ tấn công bất ngờ và cắn đứt cánh tay bên trái. Bethany may mắn thoát chết.
Không một ai, kể cả cô bé có thể tưởng tượng được rằng tai nạn khủng khiếp đó có thể ập đến với cô bé tuổi 13 vốn rất hồn nhiên, vô tư. Những tưởng tai nạn này đã khiến Bethany phải từ giã niềm đam mê lớn của mình nhưng rất nhanh chóng, Bethany đã vượt qua sự mất mát cũng như khó khăn đó của mình để quay lại với bộ môn lướt sóng. Cô bắt đầu trở lại thi đấu vào năm 2004. Không những lướt sóng trở lại, cô còn đạt nhiều giải thưởng cao quý như: giải ESPY Award dành cho “Vận động viên trở lại hay nhất năm” năm 2004, huy chương vàng giải cuộc thi vô địch lướt sóng quốc gia NSSA năm 2005. Kể từ năm 2008, Bethany đã thi đấu toàn thời gian trong đợt thi sát hạch thế giới của ASP - Hiệp hội các vận động viên lướt ván chuyên nghiệp. Ở cuộc tranh tài đầu tiên với các nữ VĐV giỏi nhất thế giới, Bethany về thứ 3. Bethany chính là tấm gương sáng của ý chí và nghị lực, xứng đáng được giới thiệu rộng rãi tới đông đảo bạn đọc trên khắp thế giới.
Sinh ra để lướt sóng
Bethany sinh năm 1990, trong một gia đình có truyền thống yêu lướt sóng: bố mẹ và hai người anh trai của cô đều yêu lướt sóng từ bé; Bethanyđược bố mẹ cho tiếp cận với bộ môn này từ khi năm tuổi. Lên bảy, cô đã có thể lướt sóng và bắt sóng mà không có sự trợ giúp của bố mẹ. Năm lên tám tuổi, lần đầu tiên Bethanytham gia cuộc thi lướt sóng mang tên Rell Sun và giành chiến thắng ở tất cả các nội dung thi. Đó là giải thưởng đầu tiên của rất nhiều giải thưởng mà Bethanyđạt được như: về vị trí thứ hai trong Giải vô địch quốc gia NSSA và giải nữ mở rộng năm 2003
Lướt sóng với Bethanynhư là máu thịt. Điều gì ở bộ môn lướt sóng khiến Bethany mê mẩn đến như vậy? Cô giải thích: “Một số người hỏi tôi rằng liệu có phải cảm giác lướt sóng cũng giống như cảm giác khi chúng ta ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc trong một khu vui chơi, thứ cảm giác phấn khích pha lẫn sợ hãi và nhốn nháo trong dạ dày không. Đúng vậy, đôi khi tôi cũng cảm thấy như thế. Nhưng tất cả những cảm giác đó chỉ là một phần sự thú vị mà bạn cảm thấy khi bạn lướt sóng mà thôi. Lướt sóng không chỉ mang lại cảm giác phấn khích. Lướt sóng tạo nên một lực thúc đẩy, khiến cả thể xác lẫn tâm hồn của bạn hoạt động”.
Cũng theo Bethany, lướt sóng là bộ môn thể thao khá an toàn: nếu bạn ngã, thì bạn rơi xuống nước, và như thế đỡ rủi ro hơn là ngã đập mặt xuống vỉa hè được đổ bê tông khi trượt pa-tanh. Bethany cũng từng bị ngã một hai lần trong khi lướt sóng. Cô nhớ lại: “Một lần tôi đang lướt sóng ở gần bờ và bị chính ván của tôi đập vào người. Cú đập ấy khiến tôi đau đến nỗi tôi không thể ra biển trong vài ngày. Bạn biết đấy, phải là một vết thương ra trò mới có thể ngăn tôi lướt sóng. Cũng có khi xảy ra trường hợp một con sóng lớn khiến bạn bị va đập, và nếu thứ mà bạn va vào là san hô thì…, cứ xác định rằng bạn trông sẽ không được xinh lắm với những vết cứa, vết rách. Những vết sưng bươu, bầm tím, những vết trầy xước rớm máu…” Nhưng Bethany chấp nhận tất cả những tai nạn có thể xảy ra với mình, miễn là cô được lướt sóng!
Tai nạn bất ngờ
Giống như những buổi sáng khác, vào sáng ngày Lễ Hallowen, Bethany lại cùng bạn bè của mình ra biển lướt sóng. Đó là một buổi sáng biển xanh trong và yên bình. Bethany cùng các bạn của mình chỉ lướt sóng được khoảng nửa tiếng do sáng hôm đó sóng không đẹp lắm. Trong lúc đang đợi những đợt sóng to để có thể lướt thỏa thích, thì bất thình lình chuyện xảy ra.
Bethany kể lại trong cuốn tự truyện của mình: “Nó xảy trong chớp nhoáng. Tôi cảm thấy một sức ép lớn, một vài cái giật nhanh như chớp. Tôi thậm chí không kịp nhận biết chi tiết những gì xảy ra với mình, nhưng tôi biết phần trên của ván lướt và cánh tay trái của tôi đã nằm gọn trong cái hàm khổng lồ của một con cá mập hổ dài đến 4,5 mét. Sau đó, trong sửng sốt, tôi nhìn nước ở xung quanh mình chuyển thành màu đỏ tươi của máu”.
Không một ai biết tai nạn đang xảy ra với Bethany. Vào khoảnh khắc đó, không hiểu vì sao Bethany lại giữ được bình tĩnh và bắt đầu chèo ván hướng vào bờ. Cánh tay trái của cô đã bị cá mập cắn cụt đến gần nách, còn ván lướt sóng đã trở thành một miếng gỗ hình lưỡi liềm với ba màu màu xanh, trắng, đỏ.
Mọi việc xảy ra quá nhanh và vô cùng bất ngờ. Phải đến một lúc sau mọi người mới phát hiện ra và ngay lập tức đưa Bethany vào bệnh viện. Nhưng lúc này, bố của cô cũng đang nằm trên bàn mổ, chuẩn bị ca phẫu thuật cho đầu gối. Sau cùng, bố Bethany buộc phải ra phòng mổ để các bác sĩ chuyển Bethany vào thay thế. Cuộc phẫu thuật xử lý chấn thương cụt chi của Bethany được tiến hành ngay sau đó. Những giờ phút khủng khiếp trôi qua, khi mọi người trong gia đình và chính Bethany hiểu được cánh tay bị đứt như thế nào: nó đã cụt đến gần hết cánh tay.
Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường
Những ngày ở bệnh viện là những ngày đầy khó khăn với Bethany: “Tôi sốt ruột muốn được về nhà - tôi muốn thoát ra khỏi cái vùng tranh tối tranh sáng này! Tôi không ngừng quấy rầy bố mẹ bằng câu hỏi: “Khi nào con được ra khỏi đây ạ?”. (…) Thỉnh thoảng cảm thấy mệt vì phải nằm trên giướng hết giờ này đến giờ khác, tôi trở dậy, cầm mấy quả bóng bay đi loanh quanh trong phòng và tự đập bóng vào đầu mình”.
Mấy ngày sau ca mổ, Bethany nghĩ mình không thể lướt sóng được nữa nên đã nói với bố về ý định chụp ảnh lướt sóng và được bố tán thành. Sợ Bethany có thể sẽ bị tổn thương nên không ai trong gia đình dám nhắc đến hai từ “lướt sóng” trước mặt Bethany. Nhưng rồi ngay sau đó, dù vẫn còn ở bệnh viện, nhìn cánh tay cụt quấn băng của mình Bethany đã nghĩ đến việc làm cách nào để có thể lướt sóng được. Bác sĩ đã kiểm tra vết thương và cho biết Bethany có thể được ra viện sớm. Đó thực sự là một tin vui vô cùng lớn bởi những ngày qua là những ngày dài lê thê với Bethany, có lúc cô muốn phát điên khi bên cạnh không có ván lướt, không có sóng biển, cũng như cánh tay trái đã không còn nữa
Việc đầu tiên mà Bethany làm sau khi bình phục là trở lại với những con sóng vào ngày Lễ Tạ ơn. “Thật dễ chịu khi bước xuống làn nước ấm áp và cảm nhận vị mặn mòi của biển trong không khí. Cái cảm giác đó giống như cảm giác được trở về nhà sau một chuyến đi xa nhiều ngày”. Nhưng cuộc trở lại với bộ môn lướt sóng của Bethany lại không đơn giản và thi vị như vậy. Bethany tập trung toàn bộ tâm trí vào việc bắt sóng và đứng lên trên đôi chân của mình nhưng hai lần thử đầu tiên, Bethany đều thất bại: cô không thể đứng dậy được. “Tôi phải thú nhận rằng tôi hơi thất vọng. Tôi những tưởng việc đó hẳn phải dễ dàng hơn kia”.
Bằng ý chí cộng thêm sự động viên của người bố vẫn luôn cổ vũ bên cạnh: “Bethany, cố thêm một lần nữa đi. Lần này chắc chắn sẽ được!”. Đó chính là nguồn động viên vô giá để Bethany có thể đứng vững trên tấm ván lướt. Bethany tiếp tục trở thành vận động viên lướt ván chuyên nghiệp với những thành tích cao tại các giải đấu lớn. Những giải thưởng chính là minh chứng cho nghị lực thần kỳ của cô gái bé nhỏ mang tên Bethany.
Câu chuyện về lòng quả cảm, tính kiên trì và đam mê lướt ván của Bethany Hamilton đã gây chú ý trong giới trẻ Mỹ và được chuyển thể thành một bộ phim của Hollywood có tên gọi "Soul Surfer” – Tâm hồn lướt sóng. Bộ phim đã giành được sự quan tâm nồng nhiệt của đông đảo khán giả và ngay trong tuần đầu công chiếu, bộ phim đã lọt vào top 10 phim ăn khách nhất. Bethany cho biết: “Tôi hy vọng câu chuyện của tôi sẽ khích lệ bạn đọc trụ được trong khó khăn mà các bạn hiện đang phải đối mặt để tiếp tục đấu tranh cho đến khi vượt qua được nó, vươn tới ngày mai tốt đẹp hơn. Các bạn hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại hiện thời và chắc chắn các bạn sẽ vượt qua được, tôi tin như vậy. Tôi là bằng chứng sống cho thấy ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”.
Tâm Hồn Lướt Sóng là một quyển sách ghi lại rất nhiều những sự kiện trong cuộc đời của Bethany, từ khi còn là một tay lướt ván trẻ, về vụ tai nạn, về quá trình hồi phục sau đó, về những điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống và để trở lại với việc lướt sóng - từ đó tạo nên một phong cách lướt sóng đặc biệt của riêng Bethany, về những màn trình diễn đã đưa cô trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu tại các giải Vô địch Lướt sóng Thế giới, hay giản dị hơn là về chính đức tin của cô. Có thể nói, đây là câu chuyện về sức mạnh và tinh thần bất khuất của một cô gái trẻ trước định mệnh khắc nghiệt, và từ đó giúp chúng ta hiểu rằng đam mê không phải chỉ bắt đầu bằng việc có đủ điều kiện vật chất để đeo đuổi mà còn cần cả sự nỗ lực và một tinh thần không biết đầu hàng số phận. Cuốn sách này còn mang tới cho bạn đọc phần Phụ bản gồm những tấm hình được in màu trang trọng, tái hiện cuộc sống của Bethany từ lúc nhỏ cho tới khi lớn lên, từ lúc còn đôi tay lành lặn cho đến khi tai nạn diễn ra và cô chỉ còn một tay. Đó còn là những hình ảnh của Bethany gắn với đam mê lớn nhất trong đời cô - đam mê lướt sóng.
Tâm Hồn Lướt Sóng được phát hành tại nhà sách Trí Việt - 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM và các nhà sách khác trên toàn quốc.
Thông tin về tác giả Bethany Hamilton:
Bethany Hamilton là một vận động viên lướt sóng sinh năm 1990 tại Hawaii, Mỹ. Năm 13 tuổi, cô bị cá mập tấn công khi đang lướt sóng cùng bạn bè và bị con cá mập cắn đứt gần hết cánh tay trái. Cuốn sách Tâm Hồn Lướt Sóng được ra mắt lần đầu năm 2004 này chính là cuốn tự truyện của cô, trong đó kể về những trải nghiệm trước và sau khi tai họa xảy ra, đặc biệt là về chính nỗ lực của bản thân cô, về sự hỗ trợ của gia đình, sự ủng hộ của bạn bè và những người quen biết và nhờ vậy, cô đã có thể duy trì niềm đam mê được cưỡi trên những con sóng của mình. Có thể nói, Bethany đã trở thành một vận động viên lướt sóng nổi tiếng thế giới không chỉ bởi tài năng, sự nỗ lực lao động của mình mà còn nhờ chính lòng kiên gan vượt qua khó khăn, thử thách - Điều đã truyền cảm hứng cho rất nhiều những phận đời bất hạnh trên toàn thế giới, giúp họ có thểm quyết tâm và nghị lực vượt qua mọi tai ương.
Thông tin về dịch giả Nguyễn Bích Lan:
Dịch giả Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Thái Bình. Năm 13 tuổi, trong một lần đang đi xe đạp trên đường, Bích Lan bị ngã xuống mương và phát hiện ra mình không thể tự đứng lên. Theo chẩn đoán của bác sĩ, cô bé mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ, chứng bệnh khiến chị phải bỏ dở việc học hành của mình khi mới lên lớp 8. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê với việc học nói chung và con chữ nói riêng, Nguyễn Bích Lan đã không chùn bước, đã cặm cụi mày mò tự học ở nhà. Bích Lan bắt đầu dịch sách văn học từ năm 2002 và cho đến nay, cô đã có 16 đầu sách được xuất bản trong đó có nhiều tiểu thuyết được độc giả yêu thích: Từ sông Nile đến sông Jordan, Nghìn khuôn mặt của đêm, Hứa yêu, Vũ điệu của trái tim, Mạch buồn, Người đàn ông hoàn hảo, Triệu phú khu ổ chuột, đặc biệt là bộ tự truyện của Nick Vujicic như Cuộc sống không giới hạn, Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, Sống cho điều ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, cô còn làm thơ, viết truyện ngắn với các tác phẩm đã được in trên một số sách báo. Ngoài ra, Bích Lan còn là soạn giả của cuốn Thần đồng thế kỷ 20 và Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới.
CÔNG TY VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT – FIRST NEWS