Trong những năm qua, với hàng loạt tác phẩm như Thả một bè lau, Đường xưa mây trắng, Bông hồng cài áo, Hạnh phúc mộng và thực, Nẻo về của ý…, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa người đọc đến với một thế giới mà ở đó cảm xúc thiền luôn thấm đẫm, giúp người đọc có cơ hội lắng mình lại, để hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
Với tác phẩm Tâm Tình Với Đất Mẹ lần này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang đến một góc nhìn đặc biệt về môi trường sống của con người, về trách nhiệm của con người trong mối tương quan với Trái đất mà ông gọi bằng một cái tên rất trìu mến – mẹ Đất. Trong góc nhìn này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ ra vũ trụ là một quần thể có mối liên hệ mật thiết với nhau, ở đó ông gọi là mẹ Đất, cha Mặt trời, dì Trăng.
Chính từ mối liên hệ mật thiết giữa các hành tinh trong vũ trụ đã tạo ra môi trường sống đầy bao dung, ấm áp cho muôn loài. Ông chỉ ra: “Sở dĩ chim chóc vẫn được cái hạnh phúc trở về với mây trời thênh thang, sở dĩ hươu nai vẫn có cái thích thú chạy nhảy ở đồng quê, đó là nhờ khả năng đùm bọc và che chở của Mẹ. Mẹ đã tiếp thu, đã gặt hái ánh sáng của Cha một cách khéo léo để nuôi dưỡng đàn con của Mẹ và làm cho Mẹ xinh đẹp hơn từ gần một tỷ năm nay”.
Trong số “đàn con” của mẹ Đất không thể không nhắc tới con người. Suốt gần một tỷ năm qua, mẹ Đất đã nuôi dưỡng con người trong tình thương bao la của mình. Và con người đã được thụ hưởng rất nhiều từ tình thương bao la ấy của Đất mẹ: cơm ăn nước uống hàng ngày; môi trường sống thanh sạch, có sự hài hòa giữa cỏ cây hoa lá; những tiện nghi sinh hoạt ngày càng hiện đại… Nhận nhiều nhưng chính con người cũng đang tự chối bỏ tình yêu thương đó khi đang tâm hủy hoại Trái đất; hệ quả là tình trạng ô nhiêm môi trường, hiện tượng biến đối khí hậu đang trở thành nguy cơ đe dọa sự sống của con người. Dù vậy, mẹ Đất vẫn luôn nhân từ và bao dung: “Khi người ta đổ và rải lên đất những thứ thơm tho và tinh sạch như hoa hương và sữa thơm, đất không thấy tự hào, mà khi người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy và hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ, hoặc khạc nhổ xuống đất, thì đất cũng không cảm thấy giận hờn, chán ghét hoặc tủi nhục. Đất có khả năng tiếp nhận ôm ấp và chuyển hóa tất cả”.
Trong cuốn sách của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ ra Trái đất không hẳn là vật chất ở ngoài chúng ta, mà Trái đất còn ở ngay trong chính chúng ta. Ông viết: “Bạn đang mang Mẹ Đất trong bạn. Mẹ Đất không ở bên ngoài. Mẹ Đất không chỉ là môi trường. Mẹ Đất là bạn”.
Chỉ khi ý thức được rằng, “Mẹ Đất là bạn” thì khi đó con người mới nhận thức được vai trò thực sự quan trọng của Trái đất. Nếu bạn có ý định hủy hoại Trái đất, cũng chính là bạn đang hủy hoại bản thân mình. Và vì thế, theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, để cứu lấy Đất Mẹ, “bạn hãy thở vào, ý thức về cơ thể bạn và nhìn sâu vào cơ thể để thấy rằng bạn là trái đất, và tâm thức bạn cũng là tâm thức của trái đất. Không chặt phá rừng, không làm ô nhiễm nguồn nước – chừng ấy chưa đủ”.
Vượt lên trên ý niệm về môi trường, bằng cách mượn lời tâm tình với Đất mẹ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn đưa đến cho người đọc một thông điệp thiêng liêng hơn, đó chính là trách nhiệm và sự biết ơn đối với cội nguồn, biết ơn đấng sinh thành đã sinh ra và nuôi nấng chúng ta.
Tâm Tình Với Đất Mẹ là tác phẩm mới nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tuy hình thức nhỏ bé, nhưng có thể đóng vai trò của một hồi trống báo hiệu hiện tượng tiếp cận và hình thành của một tuệ giác mới, có khả năng đem lại sự tổng hợp kỳ diệu giữa Phật học, khoa học, tôn giáo và triết học.
Về tác giả:
Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926 tại Thừa Thiên – Huế) là một Thiền sư đã xuất bản trên 100 cuốn sách, trong đó có hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh và nhiều cuốn được xếp hạng bán chạy nhất Hoa Kỳ cùng các nước trên thế giới. Ông cũng xuất bản các bài giảng trong các tạp chí tạp chí Mindfulness Bell của Dòng tu Tiếp Hiện. Hiện ông đang sống và tu tập tại miền Nam nước Pháp.