“Cuộc sống vốn vô tư, cởi mở và không thiên vị. Ta nghĩ đời thế nào thì đời là thế ấy. Có người thấy đời vui và đẹp, có kẻ lại cho đời đau buồn, tàn ác. Người nào cũng có lý do riêng để cảm nhận đời theo cách của mình...”
Mười lăm truyện ngắn, rất nhiều nhân vật, nhưng không có ai tròn đầy, và không có cái gì tròn đầy cả. Có sự thiếu vắng nào đấy bên trong phần thấy được của con người, cả ở phần không thấy được, và không chỉ trong con người mà ngay cả trong không gian, trong muông thú, cây cỏ... Nhưng tình yêu, dù đã có hoặc chưa hề tồn tại, và tình người, dù trong trái tim rách mướp của những kẻ hầu như không còn phương để hy vọng, vẫn lung linh vài tia sáng, cho phép người đọc định hướng được cái nhìn.
Đó là niềm tự hào và tình yêu thương lớn lao mà Con gà què thảm hại nhất trong đàn gà đã được ban thưởng, khi nó có được đứa con xinh đẹp. Tình yêu đầy tự hào ấy đã cho con gà què lòng dũng cảm để chiến đấu với con mèo Mướp, bảo vệ con mình. Ngay cả khi đứa con đủ lông đủ cánh đã gạt phắt mình ra khỏi cuộc sống của nó, trong con gà què vẫn nguyên vẹn tình yêu thương trong những lúc “co ro một mình ở góc sân, thỉnh thoảng lại nhìn con gà mái to, đẹp nhất bầy ngày xưa từng là con nó”.
Đó là Chị, người đàn bà hơn bốn mươi tuổi, chưa chồng, đã bỏ lại một chân nơi chiến trường ngày xưa như bỏ lại cả tuổi trẻ của mình. Trong cái buổi đất trời ngập ngụa giữa cơn mưa trút nước ấy, chị đã vứt đi những dè dặt thường ngày, bước xuống chiếc ghe thương hồ của người đàn ông đàn ông xa lạ cũng mất một chân, như bước vào một khúc ngoặt cuộc đời. Trong lòng chiếc ghe chật chội, chị đã tìm thấy chút gì đó ấm cúng, tin cậy, không ngăn trở người ta bày tỏ cùng nhau con nguời thật của mình...Bởi nhu cầu tìm đến giữa con người với con ngưòi, nhất là những người cùng mất mát, còn mạnh hơn mọi khác biệt và phân biệt có thể có trên đời (Khách thương hồ).
Đó là Tôi, người đàn bà bị chồng ruồng bỏ, vậy mà vẫn cứ mãi yêu mối tình đầu cay đắng ấy của mình, yêu một cách dai dẳng và khốn khổ. Ngay cả khi đã có được người đàn ông khác, với một tình yêu còn đẹp đẽ trọn vẹn nhiều lần hơn, thì Tôi vẫn cứ không thể nguôi quên. Không dứt bỏ nổi những trì níu, ray rứt lạ kỳ ấy, nên người ta đành đổ cho một căn nguyên hư hư thật thật: đó là tại linh hồn của dòng sông, dòng sông mà Tôi đã thả trôi linh hồn của mình xuống đó, vào những khoảnh khắc tuyệt vọng đau đớn nhất trong cuộc đời mình... (Sông Lấp)
Cái ác cũng là một phần cuộc sống, và trong tập truyện ngày, cái ác nhắc nhở người ta về sự có mặt của nó, ngay bên cạnh cái thiện. Nó có thể là sự bất hiếu rất thản nhiên của đứa con trai luôn đối xử tàn tệ với người mẹ mù, ngay trong những bữa cơm bình thường hàng ngày (Tàu đi Hòn Gai). Nó cũng có thể là cái ác có chủ định vì một mối lợi nào đó, khiến gã đàn ông nuôi thú cho phép mình hành hạ những con vật yếu đuối đáng thương, và coi đó là một phát minh có tính độc quyền (Thú quý). Nhưng gieo gì sẽ gặt nấy. Kẻ bất hiếu sẽ gặp đứa con còn bất hiếu hơn, còn kẻ bất nhân tự mãn sẽ bị chính những con vật mà quyền sinh sát nằm trọn trong tay mình tặng cho một bài học tương xứng. Đó là triết lý, là thế giới quan rất phổ biến trong văn hóa dân gian Việt Nam: ác giả thì ác báo.
Còn tình yêu? Ngậm ngùi với một âm vang thẳm sâu là những cung bậc trầm lắng nhất của tình yêu. Những tình yêu rất buồn vì đã không đến được hoặc không ở lại được. Một Vườn ngọc lan mùa đông thơm ngát hương hoa nhưng không giữ nổi người đàn ông cho những người đàn bà biết yêu và biết chờ đợi. Những chiếc áo của tình yêu vẫn tiếp tục được đan, tiếp tục đợi chờ và tiếp tục lạnh ngắt vì chưa bao giờ bén được hơi người. Hương ngọc lan đã trở thành nỗi ám ảnh đầy muộn phiền cho đứa con gái mới lớn, hiu hắt bên cạnh những người đàn bà bị ruồng bỏ cùng với tình yêu của họ. Một vườn mai rực vàng với ngàn vạn những hoa mai nở muộn vẫn không thể mang đến bất cứ điều gì: ngày tết đã trôi qua, cũng như mùa xuân đã vắng hẳn trong trái tim giá lạnh của cô gái chỉ còn lại những đáng cay đầy thách đố và khinh bạc. Không còn chàng trai nào đến nhặt lá, vườn mai đã bị bỏ quên, cũng như tuổi trẻ của cô gái đã bị lãng quên và đang lặng lẽ ra đi, không kịp cho cô cầm giữ... (Hoa muộn)
Gọn và sắc, mỗi truyện ngắn trong tập sách này đều sử dụng ít từ ngữ nhất để cố diễn đạt một cách hàm súc nhất điều muốn nói. Đặt cạnh nhau, chúng là một tập hợp nhiều phong cách, nhiều cá tính, vẽ nên chân dung đa dạng của con người Việt Nam thời hiện tại, với rất nhiều biến động. Ấn tượng nó có thể gieo vào lòng người đọc là: sao cuộc sống tưởng chừng giản dị chung quanh lại cất giữ nhiều thứ có thể làm lay động trái tim ta đến vậy!
Đây là tuyển tập truyện được viết bởi những cây bút Việt (Nguyễn Ngọc Tư, Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh, Ngô Thị Kim Cúc...) với cốt truyện tuy giản đơn tưởng chừng như vặt vãnh nhưng khơi gợi biết bao điều đáng suy gẫm về cuộc đời, nhân tình thế thái. Mỗi câu chuyện - mỗi tác giả với những phong cách khác nhau nhưng phần nào đã giúp khắc họa lại một cách chân thực về hiện thực cuộc sống. Phần chuyển ngữ được thực hiện bởi dịch giả Tôn Thất Lan, một tên tuổi từ lâu được biết đến khá nhiều qua mảng thơ và bài dịch song ngữ trên các tạp chí Special English và Sunflower.
Sách do First News thực hiện, dày 200 trang, phát hành tại Nhà sách Trí Việt (Số 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và tại các nhà sách trên toàn quốc.
First News