Trong nhiều năm vừa qua, làm công tác biên soạn từ điển tiếng Việt, chúng tôi bắt buộc đã phải chú ý nhiều đến những vấn đề ngữ nghĩa học nói chung và ngữ nghĩa học tiếng Việt nói riêng. Dĩ nhiên, trước tiên là những vấn đề ngữ nghĩa của từ. Nhưng ngữ nghĩa của từ không thể tách rời ngữ nghĩa của câu, và cuối cùng là ngữ nghĩa của lời (và văn bản). Qua ngữ nghĩa của một số từ, một số câu/lời trong tiếng Việt, dần dần chúng tôi nhận thức được rằng quả có một logic của ngôn ngữ tự nhiên dùng trong giao tiếp. Logic ngôn ngữ có những đặc trưng riêng, có khác với logic tư duy nghiên cứu trong logic học. Nó có một số quy tắc suy luận riêng, có khác với quy tắc suy lí logic. Nó có một hệ thống toán tử phong phú và phức tạp hơn rất nhiều so với hệ thống toán tử dùng trong logic, vì ở đây không phải chỉ là logic, mà là logic-tình thái, lời không chỉ có giá trị chân lí, mà còn có giá trị dĩ ngôn. Vì ngôn ngữ tự nhiên dùng trong giao tiếp có cái logic của nó, cho nên cho phép chúng ta không chỉ nói trực tiếp, bằng hiển ngôn, mà còn có thể nói gián tiếp, bằng hàm ngôn, mà nhiều khi chính hàm ngôn mới là quan trọng, mới là cái ý muốn nói. Chúng tôi đã thử phân tích logic của ngôn ngữ tự nhiên qua những biểu hiện trong tiếng Việt trong một số trường hợp, và cuối cùng chúng đã đi đến kết luận rằng đây không phải là những vấn đề thuần tuý ngôn ngữ học, hoặc thuần tuý logic học, mà là những vấn đề logic-ngôn ngữ học, cần được nghiên cứu một cách có hệ thống trong một bộ môn khoa học liên ngành mới, logic-ngôn ngữ học.
Xin trân trọng giới thiệu!