Nói đến tiếng Trung Quốc, người ta hay nghĩ ngay đến chữ Hán, mà ngôn ngữ gắn liền với văn hóa. Do đó, kết cấu, quá trình hình thành, diễn biến và phát triển của loại chữ viết vuông vắn này đều có mối quan hệ mật thiết với nền văn minh Trung Hoa. Muốn tìm hiểu văn minh Trung Hoa, thì trước tiên phải tìm hiểu chữ Hán.
Rất nhiều người yêu thích tiếng Trung Quốc, nhưng nhìn vào chữ Hán lại muốn lui bước hay lắc đầu bảo khó viết. Thật ra, kết cấu của chữ Hán đều có những quy luật riêng của nó, chỉ cần chúng ta hiểu được hình tượng, âm đọc và ý nghĩa của chữ, thì việc học chữ Hán trở nên khá đơn giản, lại dễ nhớ. Hơn nữa, bên trong ý nghĩa và hình tượng của chữ còn ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị. Thông qua những câu chuyện này sẽ giúp người học hiểu được tư tưởng, quan niệm cũng như triết lý của người xưa, mà nhiều đạo lý đó, đến nay vẫn rất đúng!
Quyển sách “Chữ Hán” của tác giả Hàn Giám Đường, do ThS. Đăng Thúy Thúy dịch, đã khái quát cả một quá trình từ nguồn gốc hình thành, diễn biến phát triển đến kết cấu chữ Hán, tác giả còn thông qua những chữ Hán tượng hình này, tái hiện cho chúng ta một bức tranh về cuộc sống, xã hội của con người thời xưa. Ngoài ra, trong sách còn giới thiệu một cách có hệ thống những thể chữ, chữ mỹ thuật, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật khắc dấu… đều là những tác phẩm nghệ thuật bằng chữ Hán, quả thật đã đem đến cho người đọc một đại tiệc về thị giác.
Bản dịch chín xác, nội dung phong phú, đầy đủ, có hệ thống, cách hành văn ngắn gọn, mạch lạc, bản in màu với hình ảnh minh họa dễ hiểu, chính là điểm nhấn của quyển sách “Chữ Hán” này. Tôi tin rằng, đây là quyển sách bổ ích không chỉ dành riêng cho các sinh viên học ngành tiếng Trung, Đông phương học, Văn hóa học… mà còn là món ăn tinh thần độc đáo cho những ai quan tâm đến văn hóa Trung Hoa, say mê nghệ thuật thư pháp chữ Hán, muốn tìm hiểu về chữ Hán.
TS. Trương Gia Quyền
Tiến sĩ chuyên ngành văn tự học
Giảng viên khoa ngữ văn Trung Quốc trường ĐHKHXH&NV TPHCM