“Đọc hiểu tiếng Trung Quốc” là giáo trình dùng kèm quyển “Tiếng Trung Quốc cho người bắt đầu”. Khi sử dụng giáo trình này đòi hỏi người học phải nắm vững được các kiến thức ngữ pháp cơ bản và vốn từ vựng khoảng 1200 từ, đồng thời cũng phải có khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Trung Quốc ở một trình độ tương đối. Nói cách khác, việc học tiếng Trung Quốc của bạn đã bước vào một giai đoạn mới, trong giai đoạn này, các dạng bài tập kỹ năng nghe, đọc hiểu và đọc tỉ mỉ sẽ phối hợp với nhau, mỗi dạng bài đều đóng vai trò quan trọng và cùng hỗ trợ nhau làm tốt nhiệm vụ giảng dạy.
Chỉ dựa vào tên sách cũng có thể biết được, mục đích chính của giáo trình “Đọc hiểu tiếng Trung Quốc” là giúp người học nâng cao khả năng đọc hiểu, cụ thể hơn bao gồm các mặt sau: 1. Nâng cao khả năng cảm thụ ngôn ngữ, 2. Tăng tốc độ đọc hiểu, 3. Nắm vững ý chính, vượt qua trở ngại, 4. Mở rộng và tích luỹ các kiến thức bối cảnh văn hóa. Nâng cao khả năng đọc hiểu có tác dụng rất lớn đối với việc nâng cao khả năng ngôn ngữ và trình độ ngôn ngữ tổng hợp của người học.
Đặc điểm của giáo trình “Đọc hiểu tiếng Trung Quốc” này là “rộng”, “nhiều” và “dễ”.
“Rộng” chỉ những tài liệu đa dạng, đề tài phong phú được lựa chọn trong mỗi bài học. Chỉ có như thế kiến thức của người học mới được ứng dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.
“Nhiều” chỉ lượng bài đọc hiểu phải nhiều (so với lượng bài đọc tỉ mỉ). Chỉ trong điều kiện đảm bảo được lượng bài đọc hiểu nhất định thì những kiến thức từ ngữ, ngữ pháp đã học mới có thể xuất hiện trở lại, ôn tập và củng cố không ngừng. Hơn nữa, lượng bài đọc hiểu nhiều cũng chính là tiền đề giúp người học tăng tốc độ đọc hiểu. Mỗi bài đọc trong quyển sách này chứa khoảng 800 đến 2000 chữ, một số bài còn dài hơn bài học trong giáo trình “Tiếng Trung Quốc cho người mới bắt đầu”.
Tuy nhiên, lượng bài đọc trong quyển sách này chưa đạt đến yêu cầu của dạng bài đọc lướt.
“Dễ” có nghĩa là độ khó của bài đọc hiểu thấp hơn rất nhiều so với các bài đọc tỉ mỉ. Các bài đọc hiểu trong quyển sách này về cơ bản không có cấu trúc ngữ pháp mới, lượng từ mới cũng chỉ khoảng 2% (cứ khoảng 100 chữ trong bài học sẽ xuất hiện 2 từ mới). Để khống chế độ khó, một số phần trong bài đọc được trích từ nguyên tắc, một số khác được biên soạn theo những tài liệu có liên quan.
Cách bố trí bài tập trong giáo trình này thể hiện mục đích và yêu cầu của việc dạy học. Phần bài tập trong mỗi bài học gồm các mục sau: 1. Dựa vào nội dung bài học chọn đáp án đúng nhất, 2. Điền vào chỗ trống dựa theo nội dung bài học, 3. Giải nghĩa câu, 4. Giải thích từ ngữ bằng tiếng Trung Quốc, 5. Trả lời câu hỏi. Không khó nhận ra rằng, 5 phần bài tập trên đều bám sát kỹ năng đọc hiểu, và chính vì thế, các bài tập trong quá trình này đều nhắm vào các câu hỏi lý giải có thể xuất hiện trong quá trình đọc hiểu.