...Nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỉ XX - Albert Einstein - từng nói "Nhà trường phải luôn luôn có chủ trương tạo cho học trò một cá tính cân đối chứ không nên biến chúng thành một nhà chuyên môn". Việc giáo dục và đào tạo trong nhà trường không chỉ chú trọng tạo ra những con người giỏi về kiến thức chuyên môn mà còn phải hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, cách cư xử.
Muốn hoàn thành mục tiêu này thì mỗi giáo viên và học sinh phải cùng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó giao tiếp sư phạm đóng một vai trò hết sức quan trọng, bởi đây là điều kiện đảm bảo cho hoạt động sư phạm diễn ra thành công. Không có giao tiếp sư phạm thì không thể đạt được mục đích của giáo dục.
Trong những năm gần đây, dư luận xã hội, các phương tiện truyền thông cũng như các nhà giáo dục lên tiếng rất nhiều về vấn đề văn hóa giao tiếp trong nhà trường. Về lí thuyết, học đường là môi trường trong đó mỗi cá nhân có điều kiện học hỏi kiến thức, rèn luyện kĩ năng giao tiếp, ứng xử, xây dựng và hình thành nền tảng tri thức và nhân cách của một công dân mẫu mực. Trong môi trường đó, cách ứng xử của người thầy có ảnh hưởng rất lớn, được xem gần như những chuẩn mực đối với mỗi học trò. Thông qua cách ứng xử, lối giao tiếp của học trò - người ta ít nhiều đánh giá, nhìn nhận thấy khả năng cũng như cách giao tiếp, ứng xử của mỗi người thầy.
Thực tế hiện nay, giao tiếp trong môi trường học đường đang ở mức báo động về hành vi ứng xử thiếu văn hóa, lời nói thiếu lịch sự, nhã nhẵn, cách giao tiếp lệch chuẩn, vượt ra ngoài những qui tắc ứng xử văn hóa thông thường. Vô số những ví dụ có thể kể ra như hiện tượng dùng bạo lực để "giải quyết" những mâu thuẫn rất bình thường giữa các bạn học sinh, sinh viên; hiện tượng giáo viên dùng những lời lẽ thiếu chuẩn mực, hành động thiếu lịch sự để chỉ trích, trách phạt học trò; hiện tượng học sinh, sinh viên có cử chỉ, thái độ, hành động vô lễ với thầy cô giáo...
Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường - hơn lúc nào hết, cần được quan tâm đúng mức và được đặt đúng trọng tâm trong mục tiêu giáo dục chung của mỗi nhà trường. Cuốn sách Văn hóa giao tiếp trong nhà trường là cơ sở, đồng thời là cẩm nang để mỗi nhà hoạch định giáo dục, mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên nhìn lại hoạt động này đồng thời rút ra những bài học bổ ích cho riêng mình...