Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột, Thủ Thiệm, ông Tuynh, Cuội, bác Ba Phi... là những nhân vật chính trong hệ thống truyện cười dân gian đặc sắc của Việt Nam. Những nhân vật sáng tạo ra “tiếng cười” đại diện cho khát vọng tư tưởng của nhân dân, những thói hư tật xấu của vương triều, của con người được mang ra chế giễu, cười cợt.
“Tiêng cười phê phán” là cái cười phổ biến trong truyện trạng cười dân gian. Cái cười phát ra từ cái đáng cười. Cái đáng cười chứa đựng cái hài hiểu theo nghĩa triết học, nghĩa là có mâu thuẫn bên trong. Đó là mâu thuẫn giữa cái xấu và cái đẹp, giữa hình tượng và ý niệm, giữa sinh động và máy móc. Vua chúa, quan lại, sau tiếng cười hả hê ở cuối truyện, hiện lên là những kẻ mất nhân cách, dốt nát, xảo quyệt, gian tham, tàn ác, vào luồn ra cúi. Bên cạnh tiếng cười đả kích còn có tiếng cười dí dỏm, nhẹ nhàng khi tự trào, khi đùa cợt, chế giễu bạn bè, người thân.
Hệ thống truyện Trạng cười là một bức tranh châm biếm đả kích sắc sảo, chân thực xã hội phong kiến. Những nhân vật này đã thay mặt nhân dân lao động làm một cuộc khởi nghĩa bằng tiếng cười để từ giã chế độ phong kiến suy tàn một cách hài hước nhất.