Chuyện cổ tích không biết có từ đời nào. Tưởng đoán không ngoa là những của báu vật khảo cổ trên mặt đất này đã ra đời cùng lúc với tiếng nói của con người.
Những câu chuyện đã nghìn đời chồng chất, biết ai đầu tiên kể, mãi mãi vẫn chắp nối, chắp nối cho đến thời có chữ ghi lại.
Di cảo của Lê Thánh Tông của Nguyễn Dữ, của Phạm Đình Hổ rồi các nhà văn hóa cận kề đại từ Trương Vĩnh Ký đến Nguyễn Trọng Thuật, Phan Kế Bình, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Đổng Chi ( và nhiều học giả Pháp trong thời kì đô hộ nước ta) đã công phu sưu tầm và biên soạn được.
Từ khi con người biết quần thành bầu đoàn, ở hang, ở chòm xóm, trên đồng bãi, trong thung trong lũng, ngoài vạn chài, đâu có ánh lửa thổi nấu, lửa sưởi thì ở đấy được nghe chuyện cổ tích.
Chuyện qua các đời, cong người chung chạ sinh sống với con ma, con hổ, con gà, con kiến , con trâu, với ông Bụt, ông Trời, vua Thủy và những cô tiên. Chuyện xảy ra ở mọi nơi trên mặt đất, trong dòng nước, trong bóng mây, ngoài bao la không bờ bến, bởi đây là những tưởng tượng không cùng của trí óc người ta.
Cổ tích mang diện mạo và tâm hồn người.Mọi mặt gốc gác, nền nếp và truyền thống đều in hình bóng tuyệt vời trong cổ tích. Nghe cổ tích, ngẫm cổ tích, thấy được và cắt nghĩa được tất cả cơn cớ tồn tại, ta sinh sôi. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật hoang đường đến đâu đều thấm đượm ý nghĩa đời người, con người nỗi niềm than thở hay ngàn vạn ước mong đều vẫn nảy nở từ trong tấm lòng nhân nghĩa và đức tính lam làm cùng với nụ cười thật hóm, thật duyên và phóng khoáng mọi nhẽ. Cái cười , rừng cười trong cổ tích Việt Nam sâu xa lòng tin và nghị lực
Ngày trước, những câu chuyện lạ lùng được nghe bà ngoại kể, không nhớ trong đêm thanh vắng hay đương mùa đông, mùa hạ, có khi là mọi lúc. Những chuyện con ma thắt lưng lụa bạch đứng gốc gạo bên bãi Cơm Thi bờ sông, có lúc mạ lại hiện ngoài vườn đền có người mới chẫm mình chết dưới ao. Một đàn vịt vàng chạy trong gò ra, giữa trời đương mưa rào. Đến tận bây giờ ở làng tôi vẫn còn cây muỗm, cây đa, cây đề ngày ấy.
Khi tôi biết cầm bút thì những chuyện ngày đêm ám ảnh vẩn vơ này cứ tự nhiên là những chuyện trước nhất tôi viết ra. Tôi viết cho tôi đọc chơi, có chuyện tôi đem ra gửi tòa báo ngoài Kẻ Chợ. Tuần báo chuyên văn sử Nước Non của ông Trần Trung Viên đã in của tôi truyện Ông Dầu bà Dầu và truyện Ông Thánh Chú…
Những chuyện ngây thơ ấy tôi kí tên là Vi Liên. Hai chữ Vi Liên cũng có sự tích mơ màng. Liên là tên tôi khi mẹ mới sinh được ông ngoại đặt cho. Còn chữ Vi có lẽ cũng là một bóng dáng truyện “ Bông hoa rừng” của Trường Xuân mà đến bây giờ vẫn còn bâng khuâng không rõ có phải bởi trong những chiều hè lũ trẻ con ngồi chơi hóng mát ngoài thếm đá trước cửa đình, ngước mắt thấy làn mây trắng bay qua, gió thổi những chiếc lá đa rơi lẫn trong đám tàn than đốt rừng trên núi Tam Đảo, núi Ba Vì bay về, mỗi khi ra goài cánh đồng Noi trông lên thấy núi xanh xanh tận đâu mà chưa bao giờ được đặt chân tới. Cái bút danh Tô ( sông Tô Lịch) Hoài ( Phủ Hoài Đức) sau này của tôi cũng trong những ảo ảnh tương tự. Làn nước cỏn con chảy qua miền đất cổ mà trong cổ tích thì kể xa xưa là sông Thiên Phù, sông Tô Lịch mênh mông quanh năm trên bến dưới thuyền. Lại là những cái tưởng tượng, những cái ước mơ của trẻ con, chúng tôi bảo những con sông bí hiểm kia xuôi xuống là gốc gạo đến tận Ba Bục, Ba Bục ở đâu, hình như ở tận dưới Âm Ty.
Bấy lâu tôi vẫn ham thích viết cổ tích. Có những chuyện tôi sáng tác và thành truyện dài, như tiểu thuyết Đảo hoang ( Mai An Tiêm và quả dưa đỏ), như tiểu thuyết Nhà Chữ (Chử Đồng Tử và họ Chử bên kia sông Cái).
Cái câu tôi viết 1969 trên trang đầu tiểu thuyết Đảo hoang, ấy là một tâm niệm của tôi:
“ Ông Vũ Quỳnh soạn lại “ Lĩnh Nam chích quái!”. Tưởng như chỉ một câu trong lời tựa của ông cũng đã viết trọn niềm tự hào: Nước ta khởi đầu từ Hùng Vương đã thật văn minh, qua Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay…
Năm 1925, Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật lấy “chuyện dưa hấu” trong “Lĩnh Nam chích quái!” viết ra tiểu thuyết phiêu lưu “Quả dưa đỏ”. Thưở bé, tôi đọc tiểu thuyết “Quả dưa đỏ” của Đồ Nam Tử, giấc mơ kì ảo còn phấp phới đến tận bây giờ.
Tôi ước làm được bài thơ về cái đảo hoang ấy một lần nữa”.
Bây giờ, Chuyện ngày xưa của tôi huyền ảo và gần gũi ( tên truyện “ Chuyện đời xưa” (1866) của Trương Vĩnh Ký, cũng vẫn là một tâm tình của tôi với ơn huệ của ông bà.