Thực ra, việc giới thiệu truyện cổ tích thế giới ở Việt Nam đã được làm cách đây hàng trăm năm, mà một trong những người tiên phong là học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Đến nay đã có tới hàng ngàn truyện cổ nước ngoài lưu hành ở Việt Nam, các nhân vật Cô bé quàng khăn đỏ, Lọ lem, Aladin, Ông lão đánh cá và con cá vàng... đã trở thành quen thuộc, gần gũi với người Việt chẳng khác gì Tấm Cám, Sọ Dừa, ông bụt, bà tiên...
Tuy nhiên, việc giới thiệu truyện cổ nước ngoài từ trước đến nay vẫn làm một cách tuỳ tiện, sẵn đâu làm đấy, chưa thấy có phân loại, tuần tự như tiến, hết nước này đến nước khác, hết vùng này đến vùng khác. Cũng dễ hiểu, đây là công việc khó khăn, vượt ra ngoài khả năng của một nhà xuất bản cả về tài chính, nhân lực, lẫn sách vở, tư liệu, nói gì đến một cá nhân, một nhóm người.
Vì vậy, chúng tôi mới tự nhận rằng đây là việc làm có phần ảo tưởng của chúng tôi.
Có bao nhiêu câu chuyện cổ tích thì có bấy nhiêu giấc mơ đẹp đẽ của con người về chân, thiện, mỹ, những giấc mơ thì nhiều như lá trên rừng. Đố ai quét sạch lá rừng. Chúng tôi đang làm một công việc tương tự như việc quét lá rừng. Nhưng dù sao, tin rằng, vào một ngày đẹp giời độc giả Việt Nam sẽ biết hết những cổ tích tuyệt vời, những giấc mơ tuyệt vời của nhân loại. Còn chúng tôi, chúng tôi bắt đầu giấc mơ của mình bằng một xêri cổ tích: Truyện cổ Ấn Độ, Truyện cổ Nhật Bản, Truyện cổ Italia, Truyện cổ Pháp, Truyện cổ Trung Âu, Truyện cổ Nga,Truyện cổ châu Phi, Truyện cổ Crưm, Truyện cổ Áo, Truyện cổ Ixaren, Truyện cổ Xyri, Truyện cổ Bồ Đào Nha... Lỗ Tấn nói đại ý rằng, khởi thuỷ trên trái đất làm gì có đường, đi mãi thì thành đường thôi. Vâng, hy vọng là chúng ta sẽ mở được một con đường, dù nó mới chỉ là một lối mòn nho nhỏ để có cơ hội được phiêu lưu trong thế giới cổ tích của nhân loại. Tham vọng nhiều mà khả năng có hạn, sai sót chắc chắn là không tránh khỏi, mong bạn đọc lượng thứ.