Jean de La Fontaine (1612-1695) là nhà thơ ngụ ngôn cổ điển Pháp nổi tiếng, vào Viện Hàn lâm Pháp từ năm 1684, là bạn của Molière, Racine, Boileau... Ông sáng tác nhiều thể loại, nhưng thơ ngụ ngôn của ông (Fable, 1668 -1694) đã đưa ông lên vị trí của những nhà thơ cổ điển hàng đầu của nước Pháp thế kỷ XVII.
Thơ ngụ ngôn của La Fontaine khai thác đề tài từ những truyện ngụ ngôn nổi tiếng của văn học Hy Lap, Ấn Độ... và thường mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người. Thơ ông thể hiện rất rõ tư tưởng lạc quan yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu thương những con người lương thiện nhưng bị đè nén, áp bức do yến hèn, cô thế và lên án thói đạo đức giả, hợm mình... Thơ ngụ ngôn La Fontaine vì thế đã được dịch và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, qua nhiều thế hệ.
Ở Việt Nam, ngay từ đầu thế kỷ XX, học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) đã dịch và phổ biến thơ ngụ ngôn của La Fontaine, bắt đầu lần lượt in trên các báo Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, sau mới xuất bản thành sách (1919), tất cả gồm 43 bài. Nếu kể từ bài Con ve và con Kiến in trên Đông Dương tạp chí số bốn mươi (1914) thì cho tới nay bản dịch đã có tám mươi năm tồn tại.
Thực ra trước đó, năm 1907, trên Đăng cổ tùng báo, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch bài thơ này theo thể lục bát:
Trên cây có một con ve
Hát hết mùa hè, mùa lạnh kiết xo
Bắc phòng càng thổi càng lo,
Ruồi, sâu bọ hết, ăn nhờ vào đâu?...
Bảy năm sau, ông đã dịch lại, theo thể thơ tự do, mà cho đến nay nhiều người ở lớp tuổi ngoài sáu bảy mươi vẫn còn thuộc:
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con...
Nếu chúng ta nhớ rằng những bài thơ mới đầu tiên đều xuất hiện từ sau năm 1930 thì có thể nói, qua dịch thuật, học giả Nguyễn Văn Vĩnh là một trong nhưng người có công khởi nguồn cho dòng chảy của thể loại thơ mới ở Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
Cho đến nay, tập thơ Ngụ ngôn của La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch vẫn là một bản dịch chuẩn mực, truyền đạt được nội dung và tinh thần của nguyên tác, khẳng định khả năng phong phú của ngôn ngữ Việt Nam. Mặc dù đây là lối dịch cốt thoát nghĩa, không nệ vào từng chữ từng câu, như chính dịch giả đã viết trong lời đầu sách:
"Tập dịch văn này tôi làm ra kể đã lâu năm lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm hứng chấp chảnh nên vần, tuy lắm câu văn còn lấc cấc, nhưng các bạn độc giả cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch lấy đúng. Đúng đây là đúng cái tinh thần, chứ không có gì những chữ hổ đổi làm sư tử, cái gậy đổi ra con chó, khiến cho những người thắc mắc được một cuộc vui, ngồi soi bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba bốn chữ dịch lầm. Những chỗ sai lầm đó, trong bản in này xin cứ để nguyên không chữa..." (Thơ ngụ ngôn của La Fontaine - Trung Bắc tân văn, 1928).
... Những bậc uyên bác cho rằng, cho đến nay, chưa có bản dịch nào hay hơn bản dịch của học giả Nguyễn Văn Vĩnh mà bạn đang có trong tay. Đây cũng là một ghi nhận xứng đáng đối với thế hệ đầu tiên những người đặt những viên gạch làm nền móng cho lâu đài văn học Việt Nam hiện đại.