Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân là một trong những tác phẩm bất hủ của văn học Trung Quốc. Nhà xuất bản Kim Đồng trân trọng giới thiệu đến các bạn đọc Việt Nam một hình thức mới của tiểu thuyết nổi tiếng này - đó là hình thức truyện tranh. Với tài năng của hai tác giả Bành Siêu và Trần Duy Đông - những người được coi là đi tiên phong cho nền truyện tranh của Trung Quốc, chúng ta vừa thấy được tinh thần và vẻ đẹp của tiểu thuyết Tây du kí, vừa thích thú khi được xem những tranh diễn họa sinh động. Tiểu thuyết đồ sộ với 100 hồi của Ngô Thừa Ân đã được Bành Siêu và Trần Duy Đông giới thiệu đến chúng ta thông qua 20 tập truyện tranh cực kì hấp dẫn, chắc chắn sẽ làm bạn đọc hài lòng.
Tập Đại chiến sông Lưu Sa:
Sau khi rời khỏi Cao Lão Trang, ba thầy trò tiếp tục lên đường đến Hoàng Phong Lĩnh. Tại đây, tiểu yêu Hổ Tiên Phong dùng kế bắt được Đường Tăng. Ngộ Không, Bát Giới tìm được ngọn nguồn, chém chết Hổ Tiên Phong, không ngờ lại bị Hoàng Phong đại vương thổi gió chặn ngay trước yêu động. Sau nhiều lần gặp trắc trở, nhờ sự giúp đỡ của Hộ Pháp Gia Lam và Thái Bạch Kim Tinh, Ngộ Không đã tìm ra khắc tinh của Hoàng Phong Quái chính là Linh Cát Bồ Tát – một trong tám vị thánh ở Tây Phương, liền lập tức đến núi Tiểu Tu Di cầu cứu Linh Cát Bồ Tát giúp đỡ hàng phục yêu quái.
Ba thầy trò lại tiếp tục lên đường, đi đến sông Lưu Sa rộng tám trăm dặm, gặp phải thủy quái. Sau một hồi giao chiến, mới biết được ngọn ngành. Thủy quái này chính là Sa Ngộ Tĩnh đang đợi thầy trò Đường Tăng đến để cùng đi Tây Trúc thỉnh kinh…
Một hôm, bốn thầy trò tá túc ở một nhà giàu có. Chủ nhà muốn mấy thầy trò ở lại làm rể hiền, Đường Tăng không động tĩnh gì, chỉ có Bát Giới háo sắc, âm thầm năn nỉ chủ nhà được ở lại làm rể. Nữ chủ nhà để cho Bát Giới thử áo đính hạt trân châu do ba cô con gái tự tay đan, không ngờ đó chính là để trêu đùa Bát Giới. Hóa ra bốn người đó đều là Bồ Tát biến thành, để thử lòng thành đi thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng.
Bốn thầy trò đã hiểu rõ ý đồ của Bồ Tát, càng quyết tâm dứt bỏ mọi ý niệm trần tục, đồng tâm hiệp lực, cùng đến Tây Trúc.