Người nước ngoài khi vừa đặt chân đến Bắc Kinh thường sẽ đi tham quan Trường Thành, Cố cung và Thiên Đàn trước, ba nơi này là khu di tích lịch sử tiêu biểu nhất của Bắc Kinh. Nếu đi du lịch theo đoàn thì đến buổi tối, hướng dẫn viên du lịch sẽ dẫn đoàn đến Nhà hát kịch lớn Trường An nằm trên đường Trường An (con đường chủ đạo bắc ngang hướng đông và tây của Bắc Kinh). Hội trường của nhà hát kịch được trang hoàng lộng lẫy, có các tủ kiếng bán đồ thủ công mỹ nghệ dân gian, có thể mua được các kiểm phổ (dịch nghĩa: mặt nạ) Kinh kịch và các sách giới thiệu về Kinh kịch Trung Quốc, các tác phẩm hội họa, đĩa nhạc và đĩa hình...; dàn loa của hội trường phát ra các phân đoạn ca khúc Kinh kịch, dù rằng không biết đó là kịch gì, nhưng giai điệu du dương, quyến rũ đó lại vô cùng mê hồn. Trong nhà hát, sân khấu được thiết kế theo phong cách phương Tây, những hàng ghế ở giữa và phía sau là những chiếc ghế sô pha mềm mại, nhưng các hàng ghế trước lại là những chiếc bàn Bát Tiên và ghế Thái Sư bằng gỗ, phong cách cổ điển dường như trở thành điểm nhấn mang tính tượng trưng ở đây. Sau khi kiếm được chỗ ngồi, quan sát các khán giả kịch ở xung quanh - biểu hiện trên gương mặt họ đều tỏ ra rất thư thái, nhẹ nhõm, không trau chuốt trong phong cách ăn mặc - trước khi bắt đầu biểu diễn có rất nhiều người nghiêng người to nhỏ nói chuyện với nhau, nhưng chỉ cần tiếng trống và chiêng vang lên thì mọi người liền im lặng, tập trung tinh thần xem biểu diễn, đắm mình vào trong diễn biến của các tình tiết trong vở kịch, ai nấy dường như đều biết trước khi nào sẽ có nhân vật nào lên sân khấu, và cũng biết rõ khi nào phải vỗ tay tán thưởng tài nghệ biểu diễn của diễn viên nào. Ngạc nhiên hơn nữa là cách thức biểu thị sự tán thưởng và khích lệ nồng nhiệt của người Trung Quốc đối với tài diễn xuất của diễn viên - bên cạnh việc vỗ tay còn la to lên “ao”! Sau khi hỏi người phiên dịch mới biết từ này có nghĩa là reo hò cổ vũ và khen thưởng khích lệ.
Người nước ngoài lần đầu tiên xem Kinh kịch đều cảm thấy Kinh kịch có khoảng cách rất xa vời và khó tiếp cận, nghe không hiểu và xem cũng không hiểu. Thực ra, nói gì đến người nước ngoài, ngay cả người Trung Quốc ngày nay cũng khó mà tiếp cận với Kinh kịch. Tuy nhiên chỉ cần chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các đặc điểm nghệ thuật và nội dung văn hóa bên trong của Kinh kịch, thì bạn phát hiện mọi thứ đều rất thi vị, không chừng khi đó, chỉ cần mỗi buổi sáng văng vẳng bên tai là những lời hát ê a, bạn sẽ phát hiện ra mình đã yêu bộ môn nghệ thuật này rồi.
Tuy rằng thời điểm ra đời của Kinh kịch chỉ cách nay không lâu, nhưng đối với người phương Tây mà nói thì Kinh kịch lại mang vẻ bí ẩn. Kinh kịch cắm rễ sâu trong lớp đất màu mỡ của nền văn hóa phương Đông, hoàn toàn khác biệt với hí kịch của phương Tây. Nếu bạn từng đến xem biểu diễn Kinh kịch ở Hội quán Hồ Quảng của khu Thành Nam Bắc Kinh hoặc ở Nhà hát kịch Chính Ất Tự thì sẽ có cảm nhận khác hẳn. Đối với những du khách nước ngoài mới đến Trung Quốc, phong cách cổ điển của hai nhà hát kịch này chính là một di tích văn hóa dân tộc để tìm hiểu Bắc Kinh nhiều hơn - hai nơi này vốn là địa chỉ cũ của Hội Kinh kịch cận đại - phong cách kiến trúc Trung Quốc truyền thống, những vật trang trí trong nhà hát đều mang dáng dấp cổ điển. Ngồi trong đó thưởng thức Kinh kịch, tuy rằng chỉ muốn hòa vào không khí náo nhiệt đó, nhưng lại thấm đượm cảm giác trang trọng, cổ điển...