Thiên hữu thời, địa hữu khí, tài hữu mỹ, công hữu xảo. Trên thế giới, thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc đã được đặt cho một cái tên thật đẹp và độc đáo trong lịch sử văn hóa vật chất của dân tộc. Kể từ đời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên), khi Trương Khiên (? - 114 trước Công nguyên) đi sứ ở Tây Tạng thì con đường tơ lụa đã dần dần được hình thành. Thế là, thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc cũng đã được liên tục không ngừng đến với Trung Á, Tây Á, đi vào Trung Đông và rồi cuối cùng gặp gỡ ở Châu Âu, cứ thế truyền thống ấy được truyền bá rộng rãi đến khắp năm châu bốn bể. Ngay cả những khi bị ngoại xâm, hay trong thời binh đao chiến loạn thì các nghệ nhân mọi triều đại trong lịch sử của Trung Quốc vẫn luôn giữ được đôi bàn tay khéo léo của mình, để chính họ trở thành sứ giả truyền bá tài nghệ ấy đến cả thế giới. Một điều không thể không nhắc đến đó là nền thủ công mỹ nghệ này luôn gắn bó chặt chẽ với triết học truyền thống của Trung Quốc. Các nhà tư tưởng của quốc gia này vào khoảng thế kỷ I trước và sau Công nguyên đã thường dùng sự khéo léo trong thủ công mỹ nghệ truyền thống để so sánh hay giải thích cho những suy ngẫm của họ đối với sự trị vì quốc gia cũng như đối với cuộc đời.Tất cả những điều ấy đều có một mối liên hệ chặt chẽ với vị trí địa lý của Trung Quốc cũng như nền văn hóa nông nghiệp đã được hình thành từ rất lâu đời và không bị gián đoạn.
Lục địa Trung Quốc có đường bờ biển rất dài, thế nhưng khởi nguồn của văn minh - Trung Nguyên - lại nằm sâu trong đất liền. Sự xuất hiện của chế độ hành chính quốc gia sớm nhất Trung Quốc là ba triều đại Hạ (2070 - 1600 trước Công nguyên), Thương (1600 - 1046 trước Công nguyên), Tây Chu (1046 - 771 trước Công nguyên) cũng đều từ trong đất liền. Còn đối với những dân tộc lớn lên từ khu vực đồng bằng và vùng núi thì việc canh tác ruộng đất là hình thức sinh tồn quan trọng nhất của họ. Những đặc điểm của thủ công mỹ nghệ truyền thống Trung Quốc được quyết định bởi phương thức nghệ thuật và cuộc sống xã hội nông nghiệp truyền thống. Công việc thủ công mỹ nghệ của mọi người được phát triển theo nhịp điệu của mỗi ngày, công việc bắt đầu khi mặt trời mọc và kết thúc lúc mặt trời lặn. Những trạng thái ban đầu của mọi dạng sản phẩm đều liên quan đến việc sử dụng, nó thực tế, mộc mạc và đầy cảm xúc, nó hội tụ những trí tuệ phù hợp với nền văn minh nông nghiệp. Dẫu trong giai đoạn đỉnh cao - tức là trong thủ công mỹ nghệ cung đình và thủ công mỹ nghệ nhân sinh, thì mọi sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn luôn giữ được những dấu ấn thực tế và truyền thống mộc mạc giản dị vốn có. Phong cách trang trí của nó rất tự nhiên. Những nét thuộc phạm trù của kinh tế tự nhiên như núi sông, muông thú, cỏ cây hoa lá v.v.. chính là nét chủ đạo của mẫu mã cũng như phong cách trang trí, và có những khi, sự kỳ quặc hay gớm ghiếc được thể hiện trên đó lại tràn đầy tinh thần lạc quan và chí hướng của người nghệ nhân.
Trong những học thuyết luân lý truyền thống của Trung Quốc, có luận điểm “ngoạn vật tang chí” để phản đối sự “kỳ kỹ dâm xảo”, cái chính là để vạch trần sự phát triển quá độ của kỹ xảo theo hướng thoát ly giá trị thực tế. Tư tưởng này có ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến sự phát triển của khuynh hướng của chủ nghĩa công năng trong thủ công mỹ nghệ Trung Quốc từ mấy ngàn năm nay, nó đã khiến cho kỹ xảo của nghệ nhân phát triển đến mức vô cùng tinh tế trong xã hội nông nghiệp, đồng thời nó không và sẽ không bao giờ gây ra sự lãng phí cho xã hội. Điều này cũng dẫn đến một sự bảo thủ nhất định, khi kỹ thuật được tích lũy đến một mức độ nhất định nào đó, nó cũng sẽ dẫn đến một sự kìm hãm và ngưng trệ trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học xã hội.
Thế nhưng nhìn một cách tổng quát thì truyền thống này của thủ công mỹ nghệ Trung Quốc vẫn là những điều đáng để ca ngợi. Nó đã để lại cho chúng ta bao di sản văn hóa phong phú, trong đó chứa đựng biết bao trí tuệ trong cuộc sống và công việc sáng tạo của nghệ nhân. Trí tuệ trong thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc có thể quy thành những điểm dưới đây.
Thứ nhất là “trọng kỷ dịch vật”, tức là coi trọng bản thể cuộc sống, kiểm soát những sự vật nhân tạo. Nó nhấn mạnh rằng bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng luôn coi con người là chủ thể, hay có thể dùng cụm từ mà ngày nay thường hay nói, đó là “dĩ nhân vi bản (bảy con người làm gốc)”, đây là điểm vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thủ công mỹ nghệ truyền thống Trung Quốc. Có lẽ sẽ có người cho rằng, mục đích sử dụng là vì con người, như vậy đương nhiên chủ thể cũng sẽ phải là con người, có gì đáng ngạc nhiên đâu. Thế nhưng, sự lý giải vấn đề tưởng như vô cùng giản đơn này lại từng có một lịch sử khá sóng gió ở Châu Âu. Sau cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra tại nước Anh, việc máy móc có thể sản xuất hàng hóa với số lượng lớn đã khiến cho giá thành giảm đi rất nhiều, từ đó có những mặt hàng với giá bán rất rẻ, bao người ngợi ca hiệu quả sản xuất từ máy móc và tán dương thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp. Nhưng sau đó không bao lâu, người ta nhận thấy rằng những sản phẩm được làm từ máy móc thì cả ngàn cái cũng đều như một, nó thể hiện rõ nét vụng về thô sơ trên từng sản phẩm, và thế là thái độ bất mãn đối với các sản phẩm chế tạo từ máy móc bắt đầu dấy lên, mọi người cho rằng các sản phẩm chế tạo từ máy móc đã làm phai nhòa cá tính của con người, ai ai cũng đều dùng những món đồ thô thiển như nhau, nó là một sự cưỡng bức trong phương thức sống; mặt khác, đối với các nhà sản xuất mà nói, quy trình sản xuất hàng loạt trong xã hội công nghiệp lớn, đòi hỏi sự phân chia lao động theo dây chuyền lắp ráp là vô cùng tỉ mỉ, con người trở thành một bộ phận của máy móc. Trong cả một quá trình làm việc, không có bất cứ chút gì có thể gọi là hứng thú say mê, không giống như lao động thủ công truyền thống có thể mang lại cho bạn cảm giác gần gũi đối với những nguyên liệu từ thiên nhiên, con người có sự tiếp xúc qua lại từ bên ngoài, họ vừa nghĩ vừa làm. Làm việc trong xã hội kinh tế nông nghiệp, tự nhiên sẽ có thú điền viên, vì thế mà vào thế kỷ XIX, ở Châu Âu đã xuất hiện những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng và những người theo chủ nghĩa xã hội lý tưởng trong thiết kế giống như William Morris (1834 - 1986).
Thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc ngay từ thuở ban sơ đã luôn cân nhắc và lấy nhân tố con người làm xuất phát điểm để chế tạo ra vật phẩm. Sản xuất bằng máy móc của Trung Quốc trong thời kỳ đầu cũng đã hình thành quy mô nhất định, nhất là trong thời kỳ cuối đời nhà Minh, khi chủ nghĩa tư bản vừa mới manh nha. Vào thời đó, ở khu vực xã Thịnh Trạch, Tùng Giang (nay thuộc Ngô Giang, Giang Tô), nghề dệt vải đã vô cùng phát triển, có không ít gia đình sở hữu từ 5 đến 10 cỗ máy dệt vải, đồng thời họ thuê công nhân vận hành máy móc, mỗi công đoạn cũng được phân công rất rõ ràng. Nhưng phương thức sản xuất tiếp cận nền công nghiệp lớn tư bản chủ nghĩa này không hề bị rơi vào tình trạng vì thay đổi về số lượng nên dẫn tới thay đổi về chất lượng, không giống như cách mạng công nghiệp ở Anh thông qua cải tiến trong ngành dệt may khiến cho sản lượng được nâng cao vượt bậc, tạo ra giá trị thặng dư cao nhất, sau đó lại đưa vào tái sản xuất, từ đó dẫn đến những thay đổi mang tính cách mạng của nền công nghiệp dệt may. Vào thời nhà Minh ở Trung Quốc (1368 - 1644), những người chủ của ngành dệt vải có mối liên hệ mật thiết với nông thôn đều đầu tư số tiền kiếm được từ công việc dệt vải vào sản xuất nông nghiệp hoặc xây dựng gia đình, gia tộc như làm nhà, mua đất, lấy vợ sinh con... Điều đó tất nhiên bao hàm cả mặt lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp, nhưng cũng đã phản ánh xã hội truyền thống của Trung Quốc luôn coi trọng bản chất cuộc sống của con người, nên không thúc đẩy sự phát triển của máy móc sản xuất lên đến đỉnh điểm. Những điều này có mối liên hệ vô cùng lớn đối với tư tưởng “trọng kỷ dịch vật”, dĩ nhân vi bản trong thủ công mỹ nghệ của người Trung Quốc cổ đại.
Thứ hai là “chí dụng lợi nhân”, tức là nhấn mạnh tính thực tiễn và dân sinh. Vào thời Càn Long đời nhà Thanh (1736 - 1975), các nhà truyền đạo người phương Tây hoặc những đặc phái viên nước ngoài khi mang theo các lễ vật đến Trung Quốc đa phần đều là các thứ đồ chơi như đồng hồ tự động báo thức v.v.., từ đó có thể thấy, thời đó trong rất nhiều món đồ mà phương Tây sản xuất ra, không hoàn toàn là xuất phát từ mục đích “chí dụng lợi nhân”. Nhưng việc sản xuất các vật phẩm từ thời Trung Quốc cổ đại cũng đã luôn nhấn mạnh công dụng của nó. Vào thời Xuân Thu (770 - 476 trước Công nguyên), nhà tư tưởng Quản Trọng (725 - 645 trước Công nguyên) đã từng nói: “Cổ chi lương công, bất lao kỳ trí xảo dĩ vi ngoạn hảo, thị cố vô dụng chi vật, thủ pháp giả bất thất”. Tức là nói, những người thợ cao minh nhất từ thời cổ đại chẳng bao giờ lãng phí trí tuệ để chế tạo những vật phẩm vô dụng chỉ để giải trí. Họ luôn tuân theo phép tắc ấy và không khi nào vi phạm. Vào thời Chiến Quốc (475 - 221 trước Công nguyên), Mặc Tử (vào khoảng 468 - 376 trước Công nguyên) cũng đưa ra quan điểm “lợi nhân hồ, tức vi; bất lợi nhân hồ, tức chỉ”, ý muốn nói rằng nếu có lợi cho con người thì hãy làm, còn nếu không có lợi cho con người thì đừng làm. Ngày nay, những quan điểm này thoạt nhìn tưởng như rất đơn giản, nhưng vào thời đó nó lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Từ đó có thể thấy, cái gọi là “kỳ kỹ dâm xảo” trong từ vựng của tiếng Hán thực ra chưa bao giờ trở thành chủ lưu trong xã hội phong kiến mấy ngàn năm của Trung Quốc. Chính việc sản xuất những sản phẩm đòi hỏi phải có công dụng, có lợi cho quốc kế dân sinh, lưu giữ được tính nhân văn mới chính là chủ lưu của thủ công mỹ nghệ truyền thống Trung Quốc.
Thứ ba là “thẩm khúc diện thế, các tùy kỳ nghi”, tức là muốn nói đến mối quan hệ giữa thủ công mỹ nghệ và các kỹ thuật cũng như nguyên liệu cụ thể. Về mặt này có rất nhiều ví dụ như trong chế tạo đồ gia dụng đã tận dụng đặc tính của nguyên liệu từ gỗ như thế nào, cấu tạo không giống nhau trong xử lý hoa văn, khi chế tạo nghiên mực đã tận dụng nguyên liệu thiên nhiên từ đá như thế nào để xử lý tạo hình, khi giũa ngọc tận dụng “xảo sắc” của đá ngọc như thế nào để làm ra những vật phẩm vừa thuận theo đặc tính của nguyên liệu lại vừa thể hiện được công dụng của chúng v.v.., đây đều là những ví dụ nhỏ trong việc “nhân tài thi nghệ” - dựa vào nguyên liệu mà chế tạo ra vật phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhìn về mặt vĩ mô, thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc rất coi trọng nguyên liệu và điều kiện kỹ thuật, kết hợp với những yêu cầu về mặt chức năng để thiết kế ra những vật phẩm. Vào thời cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, tác giả nổi tiếng Lý Ngư (1610 - 1680) khi nói đến việc thiết kế vườn tược trong Nhàn tình ngẫu kỳ đã chỉ ra điều mấu chốt nhất là “Tinh tại thể nghi”. Điểm này vô cùng quan trọng, nó đã quyết định việc người Trung Quốc sống trong bối cảnh xã hội nông nghiệp lớn không hề sản xuất ra bất cứ vật phẩm nào trái ngược với đời sống xã hội nông nghiệp, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở các thời kỳ khác nhau nhưng về cơ bản đều hài hòa với phương thức của cuộc sống. Việc thiết kế những dụng cụ đèn vào đời nhà Hán chính là một ví dụ điển hình nhất trong thủ công mỹ nghệ truyền thống Trung Quốc, tác phẩm tiêu biểu chính là đèn cung đình Trường Tín, dù là về mặt dùng nước lọc bụi khói, giữ ở trạng thái kín, hay khi tận dụng ngọn khói để tiến hành trừ khói, tận dụng cấu tạo chuyển động để tiến hành điều chỉnh ánh sáng v.v... đều tiềm tàng những kỹ xảo và tư tưởng vô cùng xuất chúng.
Thứ tư là “xảo pháp tạo hóa”. Mặt này nhấn mạnh tạo vật được gợi mở từ trong thiên nhiên, con người và tự nhiên luôn giữ được nét hài hòa với nhau. Trước đây vẫn thường cho rằng là “tạo hóa” chẳng qua chỉ là một danh từ thuộc quy luật tự nhiên trong hội họa mà thôi, trong thực tế, nó xuyên suốt thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc, ý nói học theo tự nhiên, từ thiên nhiên có được gợi mở, đòi hỏi những vật phẩm được con người tạo nên phải hài hòa với thiên nhiên. Những điều này được thể hiện một cách vô cùng rõ nét từ thời Trung Quốc cổ đại, ví dụ như người thợ mộc nổi tiếng khéo léo Lỗ Ban (507 - 444 trước Công nguyên) đã phát minh ra chiếc cưa, tương truyền rằng chính những chiếc lá có răng cưa trong thiên nhiên đã mang lại cho ông những gợi ý để phát minh ra dụng cụ này; hay như Gia Cát Lượng (181 - 234) sống trong thời Tam Quốc (220 - 280) đã phát minh ra chiếc xe kéo “Mộc ngưu lưu mã” từ việc vận chuyển rơm rạ trên sông Thục… đều là những thiết kế kết hợp giữa máy móc và kỹ thuật sinh học. Những ví dụ như thế trong thời cổ đại thì có vô vàn, thậm chí ngay cả những dụng cụ quan sát thiên văn như dụng cụ đo địa chấn của Trương Hoành (78 - 139) vào thời Đông Hán v.v.., cũng đều là những sáng tạo được liên hệ từ những hình dáng trong thiên nhiên mà chế tạo ra. Trong tác phẩm nổi tiếng Hưu Sư lục về tranh sơn dầu vào thời nhà Minh, rõ ràng đã nói lên những lời rằng: “Xảo pháp tạo hóa, chất tắc nhân thân, văn tượng âm dương”. Vào thời Càn Long cũng có rất nhiều xa xỉ phẩm như đồ sứ tương sinh. Còn nhiều ví dụ nữa đều nằm trong sản phẩm của dân gian, ví dụ như đĩa cá, túi thơm, con dấu, khóa cửa v.v.. Sự tương sinh của chúng không chỉ có ý nghĩa về mặt chức năng, mà còn bao gồm cả tính tượng trưng độc đáo trong văn hóa dân gian của Trung Quốc.
Thứ năm là “kỹ dĩ tải đạo”. Mặt này muốn nói đến kỹ thuật cũng bao gồm cả nhân tố tư tưởng, cùng lúc sử dụng kỹ thuật và tư tưởng trong chế tạo, kết hợp máy móc với các hoạt động tư duy, ví dụ như những thao tác chức năng cụ thể, lao động kỹ thuật và các lý luận trong hoạt động tư tưởng v.v.. Quan niệm này đã được bắt đầu hình thành ngay từ thời Tiên Tần (tức thời kỳ lịch sử vào giai đoạn trước năm 221 trước Công nguyên), trong đó tư tưởng của Đạo gia có ảnh hưởng lớn nhất; Nho gia cũng có những tư tưởng tương tự, ví dụ như “văn dĩ tải đạo” v.v.. Tuy rằng trong lịch sử Trung Quốc có nhiều khi những quan niệm về máy móc và lý luận tư tưởng cũng bị lệch pha, tư tưởng trọng đạo khinh khí (coi trọng tư tưởng, coi nhẹ máy móc) lưu truyền rất rộng rãi, nhưng trong đời sống cụ thể hàng ngày của người dân, giá trị tinh thần chưa bao giờ có thể lớn hơn giá trị thực tế.
Thứ năm là “văn chất bân bân”, tức là vẻ bề ngoài và cái thực chất bên trong tương hợp với nhau, nó nhấn mạnh sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, cũng như sự thống nhất giữa chức năng và cách trang trí của vật phẩm được tạo ra, về mặt này, có rất nhiều ví dụ được tìm thấy trong thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc. Nhìn từ sự phát triển tổng thể của văn hóa nhân loại, nghệ thuật trang trí là một mặt rất quan trọng. Nhấn mạnh sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, cũng như sự thống nhất giữa chức năng và cách trang trí có thể tránh được tình trạng sa vào chủ nghĩa hình thức hoặc lệch theo khuynh hướng quá cầu kỳ về mặt chức năng. Đây chính là kết quả của sự ảnh hưởng từ tư tưởng “văn chất bân bân” trong Nho gia. Nó yêu cầu mọi người phải luôn giữ vững giá trị khuynh hướng cân bằng giữa nội dung và hình thức trong cuộc sống, trong chuẩn mực hành vi cũng như trong quan hệ giữa tạo vật và con người.
Tổng quan tiến trình lịch sử cổ đại Trung Quốc, sự phát triển của thủ công mỹ nghệ truyền thống về cơ bản là hết sức bình thường và lành mạnh, tuy trong một số thời kỳ cũng xuất hiện tình trạng quá mức rối ren, nhưng xét từ góc độ lịch sử, nó đều tương thích với sự phát triển của lực lượng sản xuất trong thời đại đó, và thể hiện rõ phong cách thẩm mỹ luôn được kiểm soát và mang tính thực tại.