Kỉ niệm về lứa tuổi học trò áo trắng tinh khôi là những kỉ niệm luôn làm xao xuyến tâm hồn bất cứ ai. Nhà thơ Đỗ Trung Quân, khi nhớ về kỉ niệm học trò, đã bồi hồi ngòi bút: "Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây. Và, mùa sau biết có còn gặp lại..."; để rồi nhạc sĩ Vũ Hoàng lại chắp thêm đôi cánh nhạc vào thơ làm nên bài hát Phượng hồng gây cay cay khoé mắt bao thế hệ học trò ngày hè chia tay. Cũng tương tự như vậy là trường hợp của nhà thơ Nguyễn Thái Dương với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trong bài hát Tiếng guốc cuối hiên trường; hay trường hợp của nhà thơ Từ Nguyên Thạch với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên trong bài hát Con đường học trò v.v... Có phải do vậy mà những ca khúc thời áo trắng bao giờ cũng lung linh vẻ đẹp của thơ?!. Hay nói đúng hơn, chính thơ đã chắp thêm đôi cánh cho các ca khúc áo trắng "bay" rộn ràng trong tâm hồn các bạn trẻ.
Nếu như lúc trước các nhạc sĩ thường viết về những hoài niệm dấu yêu của tuổi học trò thì hôm nay lại có khuynh hướng khai thác nét tinh nghịch, trẻ trung thậm chí có chút "quậy phá" của nhóm “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba...!" Đặc biệt những hình ảnh, tiết tấu của đời sống hiện đại cũng được các nhạc sĩ trẻ "cài đặt” vào ca khúc của mình khá uyển chuyển. Ví dụ như internet trong Lang thang internet của Hoàng Huấn, hay e-mail trong Email tình yêu của Trần Minh Phi và một hình ảnh rất "ngổ ngáo" dễ thương trong Mắt nai cha cha cha của Sĩ Luân v.v... Phần lớn các ca khúc viết cho lứa tuổi học trò đều hàm chứa tính giáo dục và yếu tố thẩm mỹ uao. Những ca khúc này đến với các em cũng là một cách bồi dưỡng tâm hồn, làm cho các em có thể tiếp cận đến: Chân, Thiện, Mỹ.