Gia đình là hạt nhân của xã hội. Gia đình có chức năng toàn diện, nuôi dưỡng, giáo dục con em, xây dựng và bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn để chúng trở thành những công dân góp phần xây dựng đất nước. Trong việc giáo dục con em thì việc tiếp thu và phát huy những giá trị truyền thống lâu đời của gia đình là một việc vô cùng quan trọng.
"Giấy rách phải giữ lấy lề", đó là lời khuyên bảo với các thế hệ sau của những gia đình có truyền thống. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt, đó là một chân lý không thể phủ nhận. Những giá trị truyền thống lâu đời của một gia đình, một dòng họ có một sức mạnh vô hình đã thúc giục, động viên cho mọi người trong gia đình, dòng họ thực hiện những hoài bão lớn, đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa truyền thông của một dân tộc. Trong lịch sử dựng nước, và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã có hàng vạn, hàng triệu gia đình đóng góp, đã tạo nên sức mạnh to lớn để không bị đồng hóa, để trường tồn trong lịch sử. Sức mạnh của dân tộc bắt nguồn từ sức mạnh của các gia đình, truyền thống dân tộc bắt nguồn từ truyền thống gia đình.
Trong quá trình lịch sử, các gia đình Việt Nam đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật và đạo Nho, vì vậy truyền thống của các gia đình Việt Nam cũng tiếp thu những tinh hoa của đạo Phật và đạo Nho và đã "Việt hóa" và "dân gian hóa" chúng, được thể hiện trên các mặt: truyền thống đạo đức, truyền thống tâm linh, truyền thống hiếu học và truyền thống thẩm mỹ. Đó là những giá trị truyền thống cần được phát huy. Tất nhiên bên những nét chính được nêu ở đây còn nhiều giá trị khác nữa cũng cần quan tâm và phát huy. Trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt sinh sống ở mức ngoài ngày càng đông, những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đã có sự giao lưu văn hóa với các nước nhưng vẫn phát huy được sức mạnh của nó.
Cuốn sách tập hợp những bài viết trong các cuộc hội thảo, trên báo chí, được sắp xếp thành từng chuyên mục, do vậy không tránh khỏi có những ý hay chi tiết được sử dụng lặp lại, mong được sự thông cảm và sự quan tâm góp ý của bạn đọc. Xin hết lòng cảm tạ.
TÁC GIẢ