Tuy hát đố, hát đối thường được ghép chung trong một chặng hò hát, và có thể được sử dụng xen kẽ nhau ở chặng hò hát ấy, nhưng xét bản chất, chúng thuộc vào hai lĩnh vực khác nhau. Nếu với lời xướng hát đố đòi hỏi phải được giải đố (như kiểu câu đố), thì với lời xướng hát đối lại đặt ra yêu cầu cần có sự đối ứng, cân xứng theo nguyên tắc tương đồng hay tương phản (như kiểu câu đối). Tức mỗi vấn đề, ở lời xướng cũng như lời đáp, đều tuân thủ những nguyên tắc nghệ thuật ý nghĩa thẩm mĩ riêng; và tác động vào lí trí bằng những con đường khác biệt.
Dưới góc nhìn của ngành Ngữ văn, tập sách này nhằm tìm hiểu đặc điểm của hát đố, hát đối ở bình diện chung và qua sự phân định giữa hai loại. Bên cạnh đó, để người đọc tiện nắm bắt tổng thể diện mạo vấn đề, hòng bình giá và thưởng lãm chúng, cũng kèm theo một bộ sưu tập về hát đố, hát đối gồm 411 đơn vị (mỗi đơn vị có thể gồm nhiều hơn một văn bản) được chú giải khá đầỵ đủ. Tức tập sách gồm hai phần: phần tìm hiểu lối hát đố, hát đối và phần sưu tập hát đố, hát đối trong sinh hoạt hò hát dân gian người Việt. Có thể hiểu phần sau là cơ sở, đồng thời như một minh hoạ cho phần đầu; ngược lại, phần đầu ngoài vai trò giới thiệu còn là lí thuyết, chỗ dựa cho việc định dạng, sự phân loại ở phần sau.