Xuất bản lần đầu năm 1937, với tựa đề Mọi Kontum (Huế, Mộng Thương thư trai xuất bản), bên cạnh bản gốc tiếng Việt được tái bản lần này, cuốn sách cũng được dịch sang tiếng Pháp. Lần xuất bản thứ hai này là kết quả hợp tác giữa Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội và Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Cuốn sách được PGS.TS Lê Hồng Lý, Viện nghiên cứu Văn hóa đánh giá là “một trong những công trình dân tộc học đầu tiên của Việt Nam về các dân tộc thiểu số”, cho thấy được nét đẹp của người Ba-na cũng như “toàn bộ đời sống văn hóa của một cộng đồng người mà thời đó được coi là man di, mọi rợ”. “Tiếng nói của họ được các tác giả tôn trọng và được trình bày trong công trình một cách sinh động và khách quan với đầy sự yêu mến và ưu ái như bản thân nó vốn có”.
Về tác giả:
Nguyễn Kinh Chi (1899-1986) đã theo học ngành y ở Hà Nội. Tốt nghiệp khoá học năm 1921, ông vào làm việc ở Quảng Bình trong 10 năm, ban đầu tại bệnh viện huyện Bố Trạch, sau đó tới tỉnh lỵ Đồng Hới. Những chuyến đi lại trong tỉnh Quảng Bình đã mang về nguyên liệu cho ông viết những cuốn sách đầu tiên – hai tập sách ngắn hướng dẫn du lịch tỉnh Quảng Bình. Năm 1945, ông từ chối lời mời làm bộ trưởng Bộ Y tế trong chính phủ Trần Trọng Kim, mà nhận lời làm Giám đốc Nha Y tế Trung Bộ sau Cách mạng Tháng Tám. Trong suốt những năm chiến tranh 1946-1954, ông đã có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến của Việt Minh, qua công việc của ông trong điều trị sốt rét bằng thuốc ký ninh. Ông đã giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong ngành y trước khi về nghỉ hưu năm 1965, từng là đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946 tới 1976.
Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) học ở Đồng Hới và Vinh; sau khi thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau – như y học cổ truyền, nghề thủ công – ông đã quyết định trở thành một nhà văn. Đi theo các phong trào cách mạng trong những năm 1930, năm 1945 ông tham gia cuộc giành chính quyền của Việt Minh ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh; hoạt động ở Liên khu IV và khu vực bắc miền Trung Việt Nam trong những năm chiến tranh từ 1946 đến 1954. Năm 1955, ông tham gia Ban nghiên cứu Văn Sử Địa (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), ở đó ông làm việc tại Viện Sử học, Viện nghiên cứu Hán Nôm và Viện Văn hóa dân gian (nay là Viện nghiên cứu Văn hóa). Là tác giả của nhiều tác phẩm văn học, và có nhiều ảnh hưởng đối với các ngành khoa học nhân văn, ông đã xuất bản những công trình về lịch sử, lịch sử văn học, nghiên cứu Hán Nôm và dân tộc học.
“Tuổi trẻ, ông đã làm thân được với các trai làng nhất là với các cô gái Ba-na rất nhanh... Bố tôi ghi chép ca dao và truyện cổ là ở những nguời già làng và những người này suốt ngày ngồi quanh bếp ở trên nhà sàn, muốn ghi chép được thì phải lân la làm thân...”
Năm 1933, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã thu thập một tập hợp tài liệu thật ấn tượng về tỉnh Kon Tum và những cư dân Ba-na sống tại đây. Công trình của họ dựa trên “sự quan sát có tham dự”, theo cách nói của chính Nguyễn Đổng Chi, người mới chỉ ở tuổi 18, như con trai ông đã gợi ra trong lời kể ở trên. Công trình này là kết quả của những nghiên cứu mà họ đã thực hiện. Không chỉ là tác phẩm dân tộc chí mang tính khoa học đầu tiên được biên soạn bằng tiếng Việt, công trình đã tạo dựng nên bức khắc họa sâu lắng, đầy ắp thông tin và thái độ khoan dung về nền văn minh Ba-na.
Cùng với việc tái bản lần đầu tiên nguyên vẹn cuốn sách được công bố năm 1937, công trình xuất bản lần này trân trọng giới thiệu cả bản dịch tiếng Pháp, cũng như một sưu tập phong phú các bộ ảnh về người Ba-na ở Kon Tum trong nửa đầu thế kỉ XX được bảo quản tại Văn khố của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris”.
(Trích bìa 4, Người Ba-na ở Kon Tum, Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi)