Tôn giáo tín ngưỡng cũng như nhiều hiện tượng khác, đều là sản phẩm của một xã hội, phản ánh nhận thức xã hội. Do tính đặc thù của nó, tôn giáo tín ngưỡng không chỉ là một bộ phận của đời sống văn hóa tinh thần, mà còn là bộ phận hữu cơ gắn bó mật thiết với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Do vậy, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhất là văn hóa dân gian không thể không từ góc độ đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng để có thể tiếp cận văn hóa dân tộc một cách sâu sắc hơn.
Trong công trình này, ngoài một số quan điểm lý luận và phương pháp liên quan tới tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng, các tác giả đi vào nghiên cứu một số tín ngưỡng dân gian cụ thể, như thờ cúng Tổ tiên của các gia tộc, dòng họ và sự phóng đại của nó trên bình diện quốc gia - dân tộc là thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương. Đây là một hình thức tín ngưỡng nhằm thắt chặt quan hệ huyết thống của gia đình và dòng họ, phổ biến rộng khắp ở người Kinh và một số dân tộc thiểu số.
Cũng trong công trình nghiên cứu này, các tác giả còn đề cập tới khái niệm văn hóa tôn giáo tín ngưỡng biểu hiện trên các hình thức khác nhau của sinh hoạt tâm linh của cộng đồng, như nhạc lễ, hát thờ, múa thiêng, tranh thờ, giáng bút, diễn xướng nghi lễ, lễ hội... Giúp bạn đọc thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa các hình thức nghệ thuật tín ngưỡng và nghệ thuật đời thường.
Tuy chưa phải là cuốn sách chuyên khảo về tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng, nhưng qua các bài nghiên cứu được tập hợp trong cuốn sách cũng giúp cho người đọc có một cái nhìn khái quát hơn về tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam.