Tập sách không tập trung viết về lịch sử làng một cách thuần tuý, mà từ góc nhìn văn hoá, hướng tìm đến phong cách sống, vẻ đẹp tâm hồn, lối suy nghĩ và hành xử sự đời của người Tư Thế. Đó là nguyên nhân gốc rễ làm nên bản sắc của làng, là sức sống lâu bền truyền mãi mãi, làm nền tảng cho sự phát triển của mỗi thế hệ kế tiếp.
Sự hòa hợp và thăng hoa bản sắc các làng quê trên mọi miền đất nước sẽ làm nên bản sắc Việt Nam. Những người mẹ trung hậu tảo tần nơi ruộng đồng sẽ kết thành Tượng Đài Bà Mẹ Việt Nam. Những chàng trai, cô gái hiên ngang bước ra từ cửa những ngôi nhà nơi xóm ngõ, đi từ lũy tre làng, sẽ làm nên vóc hình đất nước. Văn hoá Việt là kết tinh văn hoá từ các làng quê.
Viết về làng quê nói chung đã khó, viết về chính làng quê mình càng khó, bởi “Quê hương chính là cái núi thử xe Pho", như một nhà thơ nước Nga đã nói. Tình yêu máu mủ ruột già dễ khiến người ta vướng vào căn bệnh khoa trương - căn bệnh mà cái "cơ thể” văn hóa đồng quê có sức đề kháng rất cao. Thêm vào đó, người Tư Thế lại trau mình bằng chính cái tên làng mà lớn lên, ưa cái phải, trọng lễ nghĩa, quý sự thực, chẳng thích thứ màu mè son phấn. Quả thật là, cần phải hết sức "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”!
Nói về một làng quê cũng là nói về đất nước quê hương, tựa như khi ta bước sang nước người, thì một người cũng là dân tộc, cần phải biết biểu thị niềm tự hào và giữ gìn thể diện.
Cuốn sách không chỉ mang đến niềm vui cho riêng người làng Tư Thế, mà còn mang đến cho bạn đọc gần xa sự cảm nhận sâu sắc hơn về tiến trình dựng làng giữ nước của ông cha. Mọi thời đại, tất cả rồi sẽ đi vào dĩ vãng, chỉ còn lại cho đời sau cái gọi là Văn hoá, làm chất nhựa trường sinh, là loại trầm tích quý hơn tất cả, cần được tìm tòi khai thác.