Ở Việt Nam, trong vòng một thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc biến động, đổi thay, xáo trộn và đấu tranh văn hóa. Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, trước cơn lốc xoáy về tư tưởng, lối sống và hệ giá trị, chúng ta lại đang đứng giữa giao lộ của những ngã rẽ chưa có biển chỉ đường rõ ràng. Chúng ta đang được động viên, khích lệ, mà cũng đồng thời đang bị đe dọa, dối lừa bởi văn hóa.
Trong một hoàn cảnh, tình huống đặc biệt như vậy, có lẽ một sự quay về, nhận diện và suy ngẫm nghiêm túc về nền văn hóa Việt Nam truyền thống sẽ là một điều bổ ích không thừa, nếu không muốn nói là cần thiết. Nền văn hóa truyền thống đã từng ngự trị hàng thiên niên kỷ trong một xã hội hầu như rất ít thay đổi, sau đó lại chịu những va đập và biến động lớn trong hơn một thế kỷ qua, đã có bộ mặt đích thực như thế nào, xu thế chuyển biến ra sao? Nó đã để lại cho chúng ta những giá trị gì cần phải kế thừa và những hệ lụy gì cần phải gạt bỏ?
Cuốn sách Văn hóa Việt Nam truyền thống: một góc nhìn sẽ là một tài liệu rất có giá trị trong công cuộc học tập, nghiên cứu và quảng bá lịch sử văn hóa Việt Nam. Do đó, đối tượng của cuốn sách là vô cùng rộng rãi, bao gồm các tầng lớp học sinh, sinh viên, những nhà nghiên cứu cùng tất cả những ai yêu mến và nhiệt huyết với nền văn hóa nước nhà.