Cuốn sách ra đời nhằm cung cấp các tài liệu cho những ai muốn ôn lại vốn văn hoá của nước nhà. Đối với các nhà văn hoá học thì đây thực sự là một tác phẩm “gối đầu giường”, nó vừa mang tính phổ thông nhưng cũng có thể làm tài liệu tham khảo có giá trị lớn cho những ai quan tâm đến lịch sử Văn hoá dân tộc Việt Nam.
Nội dung chính của tác phẩm được cô đọng trong theo 3 bộ phận: Kinh tế sinh hoạt, nói về những vấn đề nông nghiệp, công nghệ, thương mại, các sinh hoạt ở thôn quê, thành thị, đường giao thông, sưu thuế, tiền tệ; Xã hội và chính trị sinh hoạt, về gia tộc, xã thôn, quốc gia, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tế tự và Tri thức sinh hoạt về các tôn giáo, giáo dục, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật...
Đọc toàn bộ cuốn sách cho phép người đọc tự tìm tòi được những tư liệu sinh động về kinh tế, môi trường văn hoá - xã hội, các mối quan hệ trong xã hội, những tri thức về tôn giáo, giáo dục…, mở ra hướng tiếp cận mới cho các hoạt động nghiên cứu triển khai về văn hoá học nói chung như nghiên cứu về văn hoá làng, nghiên cứu về lễ hội, phong tục tập quán, các nghiên cứu về văn hoá dân gian đặc biệt là những triết lý dân gian đã và đang được lưu truyền tại các làng quê Việt Nam từ nhiều thế hệ nay, nghiên cứu ảnh hưởng của các giá trị văn hoá văn minh phương Tây trong quá trình hội nhập và tiếp biến của văn hoá Việt Nam với khu vực và thế giới…