Sẽ khó cảm nhận được hết thế giới hội hoạ Bùi Xuân Phái, nếu không bắt đầu bằng sự chiêm nghiệm cuộc đời, thân phận và toàn bộ quá trình lao động sáng tạo của Hoạ sĩ. Bùi xuân Phái không phải là một nhân chứng của thời đại - người ta vẫn hay nói như vậy về nghệ sĩ. Ông cũng không chọn cho mình một vị trí tiên phong trong nghệ thuật như bao hoạ sĩ ước muốn. Bùi Xuân Phái, giản dị, chỉ là một con người, một nghệ sĩ đích thực. Mong manh, nhạy cảm. Với ông vẽ là cuộc sống và để tự biểu hiện mình. Vẽ đã như hơi thở và nhu cầu ăn uống hằng ngày. Có sơn dầu vẽ sơn dầu, có bột màu vẽ bột màu. Giấy to vẽ to, giấy bé vẽ bé. Hội họa của ông là cái nhìn của bản thân, luôn tự nhủ cần nâng cao nhân cách nghệ sĩ và chất lượng sáng tác của mình. Hội hoạ của Bùi Xuân Phái, vì thế, sinh ra từ hoàn cảnh bất trắc, gian khó, vẫn tràn trề sức sống, tươi mát những sắc màu của thiên nhiên, và trong trẻo như tâm hồn trẻ thơ. Thế giới đối tượng trong tranh ông, cho dù là một góc phố Hà Nội, một khoảng trời mây trên bãi biển hay ở núi cao, một chân dung ai đó hay vài đồ vật quen thuộc, đơn sơ… cũng đều là những hiện thực của cảm xúc. Ông có lẽ là hoạ sĩ lãng mạn chủ nghĩa với ngôn ngữ biểu hiện triệt để nhất trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Một phong cách nghệ thuật, mà trọng tâm là “cái tôi trữ tình” của người nghệ sĩ. Trải qua bể dâu của lịch sử và những đổi thay của thời cuộc, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẫn còn đó. Cái tôi riêng của ông đã hoà tan trong cái tôi mỗi người. Cái đẹp, cái làm nên đặc sắc của hội hoạ Bùi Xuân Phái, là ông đã giữ được lòng trinh với tình yêu nghệ thuật trong sáng, bình dị, với cái đẹp tinh tế mà đằm thắm, kín đáo và bao dung... nơi mình. So với hai họa sĩ cùng thế hệ Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái vẽ khiêm tốn hơn về ý tưởng và ngôn ngữ nghệ thuật. Nhưng tranh ông luôn dễ xem, luôn gần gũi với cuộc sống. Mỗi bức tranh Bùi Xuân Phái đều đi vào lòng người như một kỷ niệm của chính họ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người, rất nhiều người yêu thích tranh ông.