Bi kịch là một từ cao quý. chúng ta dùng từ này để mang lại cho bạo lực, tai ương, nỗi thống khổ, và sự mất mát cái kích thước phẩm giá và giá trị. Bi Kịch tuyên bố rằng cái chết này là khác thường. Thế nhưng, những số phận bất hạnh được cho là đặc biệt này, mà ta nghe và thấy hằng ngày, ở trên đường, trên không trung, ở những xứ lạ và trong chính ngôi nhà của mình, lại là những tin buồn mới nhất, có phải từ này giờ đây đã được bàn tán một cách tự do đến mức nó chẳng còn có nghĩa nào hết? Phải chăng các qùan niệm của chúng ta về bi kịch không có bất cứ sự nối kết thực sự nào với các quan niệm của người Hy Lạp xưa, nơi mà thuật ngữ này đã được sinh ra cách đây 2.500 năm để mô tả một loại kịch nghệ đặc thù nào đó? Bi kịch đã có một hành trình như thế nào từ người Hy Lạp đến Shakespeare và Racine, từ kịch nghệ đến các hình thức nghệ thuật khác, từ sự hư cấu đến các thực kiện? Ý niệm về bi kịch phục vụ cho nhu cầu nào, và nó đã được sử dụng và bị lạm dụng ra sao?
Cuốn sách nhập môn rất ngắn này giải quyết những câu hỏi trên qua chín chủ đề. chương 1 xem xét khoảng cách giữa cách áp dụng chữ “có tính bi kịch” (tragic) và “bi kịch" (tragedy) trong thời hiện đại của chúng ta với các nguồn gốc của hai chữ này ở Athens thế kỷ 5, bao gồm một số ý niệm đang biến chuyển nào đó về số mệnh và cái ngẫu nhiên, tầm quan trọng của truyện kể và cốt truyện, và ý nghĩa của sự bất đồng ý kiến giữa Plato và Aristotle xung quanh những yêu sách về chân lý của bi kịch và những tác động của nó đến những người chứng kiến. Trong Chương 2, chúng ta sẽ xét đến khả năng có quan niệm cho rằng bi kịch, với tư cách là hình thức nghệ thuật sống động, thuộc về quá khứ, thuộc về những thời đại khi người nghệ sĩ và khán giả cùng chia sẻ những niềm tin tôn giáo, kể cả những niềm tin về ý nghĩa của nỗi đau và sự trừng phạt, chương 3 gợi ý rằng bi kịch là một nghệ thuật có liên quan cụ thể đến việc ta muốn chôn đi quá khứ và những nguy cơ không làm được điều đó; vì thế, bi kịch quan tâm tới những hồn ma và sự báo thù, tới việc tang và hoài niệm, đến những kiểu mẫu nước đôi của các “nhân vật anh hùng”. Trong chương 4, cuốn sách sẽ tập trung các câu hỏi về sự trách tội, trách nhiệm, và tội lỗi đến quan niệm của Aristotle về “lỗi lầm” [errors], và chú ý đến quá trình gánh tội thay (process of scapegoating), chương 5 mô tả một số ý niệm lớn về bi kịch mà các nhà lý thuyết, gồm những gương mặt đầy ảnh hưởng như Hegel và Nietzsche, đã khai triển hơn 200 năm qua, và mô tả sự chống đối hay sự thù địch công khai với những ý niệm ấy, mà nguyên do là các ý niệm này đã coi thường cái thực tại đau khổ. Chương 6 mang lại niềm khuây khỏa nào đó bằng cách đặt ra vấn đề về tấn hài kịch trong bi kịch, nhất là vai trò của tiếng cười khinh bỉ, đối với cả những nhân vật trong vở diễn lẫn những khán giả và độc giả của nó. Trong chương 7, chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa quan trọng của sự hùng biện qua lời thoại và sự không thỏa mãn của nó đối vói bi kịch; sự dè dặt, tình trạng nói lắp, và sự im lặng mà con người có thể thu mình vào và tìm cách phá vỡ chúng, chương 8 tập trung xem xét các loại thời gian khác nhau được kết hợp lại trong các vở bi kịch: sự trải nghiệm chờ đợi “giữa hai thời gian” và thời khắc của hành động dứt khoát trong khi việc đã qua thì cũng đã qua rồi, những mối liên kết giữa quá khứ và tương lai trong cái ở đây và cái bây giờ mà các môn nghệ thuật thị giác phải nắm bắt. Cuối cùng, chương 9 chuyển sang vấn đề về những cái kết trong bi kịch, và lòng ham muốn sự công bằng và chân lý khá phức tạp mà chúng đã gợi ra nơi người xem.
Ai cần bi kịch? Chúng ta có thể hình dung ra một thế giới không có bi kịch được không? Chúng ta có muốn như thế không? Đây là một vài trong số những câu hòi gay go mà nghệ thuật bi kịch đã đặt ra bằng ngôn thoại và hình tượng gây ấn tượng mạnh mẽ - ít ra là qua những người biểu diễn vĩ đại nhất - đến mức tựa hồ như chúng ta có làm gì thì cũng không thể thiếu bi kịch.
Về tác giả:
Adrian Poole là giảng viên môn Ngữ văn Anh và Văn học so sánh tại Đại học Cambridge. Ông dành nhiều sự quan tâm tới văn học thế kỉ XIX và XX, đặc biệt là tiểu thuyết;bi kịch; văn học và dịch thuật. Các tác phẩm đã xuất bản gồm các chuyên khảo về George Gissing, Henry James, và Shakespeare…
Trích đoạn tác phẩm:
“Bi kịch góp phần khá lớn trong việc tạo ra những tiếng kèn xung trận, dù những gì mà chúng khích lệ thường gây kinh hoàng - tiếng kèn của số mệnh hay thậm chí là tiếng kèn ngày tận thế. Chúng ta, những người chưa đi hết sốmệnh của mình, bị bỏ lại để kinh ngạc trước Antigone và Ajax của Sophocles, trước Brutus và Coriolanus của Shakespeare, trước Hedda Gabler của Ibsen và Yerma của Lorca, trước quyết định đầy máu mà họ đã bám chặt lấy cho lẽ phải của họ, điều mà họ mang trong trái tim họ... Các bi kịch đặt ra câu hỏi về những điều mà người ta sẵn sàng chết vì chúng. Như Hamlet đã ngạc nhiên trước Fortinbras và hai vạn sinh linh của ông ta, những người được thổi cháy bùng lên bởi những tiếng kèn xung trận trên chiến trường và cùng lao vào cái chết, “vì một ảo tưởng và một trò đùa của danh vọng”.”
(Chương 5: Những ý niệm lớn)