“Hội chợ phù hoa” - một tác phẩm xuất sắc mô tả xã hội & con người trong bối cảnh nước Anh đầu thế kỷ 19. Xuất bản lần đầu năm 1847, đến nay cuốn tiểu thuyết này đã khẳng định sức sống của nó. Tôi vốn thích các câu chuyện của Châu Âu trong giai đoạn “nửa kiếm nửa súng” ấy, và đây là cuốn sách không nên bỏ qua.
Xuyên suốt tác phẩm là số phận của hai nhân vật nữ - Rebecca và Amelia, vốn học chung trường khi nhỏ - với hai cuộc đời khác nhau. Với tính cách, tầng lớp và đam mê khác nhau, họ có con đường khác biệt nhưng cũng có lúc giao nhau. Những chi tiết lịch sử có thật như cuộc chiến tranh, các địa danh được tác giả đưa vào làm cho câu chuyện trở nên sống động.
Trong một xã hội “phù hoa” như thế, nhà văn đã mô tả những xấu xa, cạm bẫy, lừa lọc của con người, đặc biệt là tầng lớp quý tộc chỉ để thỏa mãn bản thân; và hai nhân vật nữ cũng gặp những khó khăn và bất hạnh. Một người đoan trang, một người lẳng lơ - cùng những nhân vật nam đầy đủ những tham vọng và dục vọng - đã vẽ nên bức tranh hùng hồn về nước Anh thời kỳ đó.
Sự hấp dẫn chính của cuốn sách này là ở chỗ nó được giải phóng hoàn toàn khỏi những thói điệu đàng, kiểu cách, trong cảm xúc cũng như trong bút pháp, và trong cả sự cởi mở tin cậy với độc giả, trong sự phóng túng tốt lành mà tác giả thổi vào suy tư và xúc cảm được các sự việc gợi mở, dòng chảy tự nhiên của chúng như thể tác giả đã hiểu được rằng, không thể có gì nhỏ bé hoặc không xứng đáng được tô vẽ hay giấu giếm có thể toát ra từ ngòi bút của ông.