Trong những năm gần đây, văn học dịch đang chiếm ưu thế trên thị trường sách Việt Nam, đó hầu hết là những tác phẩm hiện đại. Tuy nhiên, không phải bây giờ, thời đại của bùng nổ thông tin và mở rộng giao lưu, văn học dịch mới xuất hiện, mà trước nay, độc giả Việt Nam đã được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học kinh điển của thế giới. Với mong muốn khẳng định giá trị của những tác phẩm văn học thế giới được độc giả Việt Nam yêu thích, cùng với mong muốn giới thiệu với bạn đọc Việt Nam góc nhìn về thế giới thông qua một bộ sách tuyển tập những tác phẩm văn chương kinh điển đến từ những nền văn học lớn, chúng tôi đã tuyển chọn bộ sách "Tinh hoa văn học thế giới". Nhưng khi bắt tay vào công việc, mới thấy rằng có những khó khăn không dễ vượt qua.
Trước hết, việc xét đâu là nền văn học lớn cần đến nhiều tiêu chí, mà một bộ sách được biên soạn trong khuôn khổ dành cho bạn đọc rộng rãi không thể đáp ứng được ngay. Và với mỗi nền văn học, chúng tôi cố gắng chọn ra 10 tác giả với những tác phẩm tiêu biểu và tương đối quen thuộc để giới thiệu đến độc giả. Lựa chọn con số 10 của bộ sách cho từng nền văn học lớn là nhằm tìm đến một khuôn hình hoàn chỉnh và cân đối thuận lợi cho việc biên soạn hơn là một sự đánh giá. Ai cũng biết, mỗi nền văn học đều có hàng trăm sự lựa chọn và đánh giá khác nhau để có thể nhắc đến hàng trăm những tác phẩm xứng đáng là kinh điển từ những góc nhìn khác nhau.
Việc lựa chọn tác phẩm còn phải đáp ứng yêu cầu vừa kinh điển và phù hợp với đặc thù văn hóa Việt Nam. Có những tác phẩm rất đặc sắc, giữ một vị trí quan trọng trong những giai đoạn của một nền văn hóa nhưng cần đến những chú giải phức tạp để đến gần bạn đọc hơn. Lại có những tác phẩm rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam mà sẽ là có phần quá mức nếu xếp vào tủ sách "kinh điển" của nền văn học sở tại. Có những tác phẩm kinh điển của một nền văn học lại chưa hề xuất hiện dưới khuôn dạng bản dịch tiếng Việt. Thêm nữa, việc phân định nền văn học lớn này gắn nhiều với tiêu chí ngôn ngữ văn hóa hơn là khuôn khổ cố định của một đường biên giới địa lý hiện đại. Chẳng hạn liệu nên xếp S.Zweig vào văn học Đức hay Áo, H. Hesse là của Đức hay Thụy Sĩ, J.Swift là của Anh hay Ireland... Đó là chưa kể có những vùng văn học rất trẻ, rất nhiều thành tựu mà việc xếp theo cái nhìn địa lý hiện tại trở nên khiên cưỡng.
Lại nữa, việc tìm được những bản dịch phù hợp mà có giá trị lại không hề dễ dàng. Lịch sử hơn một trăm năm dịch và giới thiệu văn học nước ngoài ở Việt Nam trình ra hàng vạn bản dịch ở nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, nhiều không gian địa lý khác nhau. Có những bản dịch từng được ái mộ một thời nhưng xét ra không phù hợp vào thời điểm biên soạn nên phải nhường chỗ cho tác phẩm khác hay bản dịch khác.
Cuối cùng, khung khổ có hạn của bộ sách cũng khiến chúng tôi phải bỏ lại rất nhiều, rất nhiều những trang hoa kinh điển của văn chương thế giới, hoặc tạm để sang một bên những tác phẩm có quy mô đồ sộ - được bạn đọc Việt Nam rộng rãi biết đến. Đọc một trích đoạn những tác phẩm quá vĩ đại đó, lại qua bản dịch, khác nào thầy bói xem voi. Việc lược bỏ đoạn này đoạn kia, tác phẩm hay tác giả này tác giả kia hoàn toàn nằm ngoài mong muốn của những người soạn sách, mong tác giả, dịch giả và bạn đọc lượng thứ.
Hy vọng những bản dịch văn chương kinh điển của văn học Anh, Đức, Mỹ, Mỹ Latinh, Nga, Pháp, Trung Quốc mang đến được cho bạn đọc Việt Nam những phút thưởng ngoạn có ý nghĩa trước sự đa dạng của thế giới.
NXB Thanh Niên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!