Tóm tắt tác phẩm
Khi Max Morden, một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật trở về vùng đất ven biền nơi ông đã từng trải qua thời thơ ấu, đó là khi ông đang chạy trốn khỏi nỗi đau mất đi người vợ yêu quý, và đối mặt với một chấn thương tinh thần từ ngày xưa.
Vào một mùa hè đã xa, gia đình nhà Grace xuất hiện nơi đây như từ một thế giới khác. Ông Grace, bà Grace, với sự nhẹ nhõm và vô tư của họ, không giống bất kỳ người lớn nào trong nhà Max Morden từng biết tới. Nhưng chính những thiếu niên cùng tuổi với cậu, hai đứa con sinh đôi kỳ lạ nhà Grace, mới là tâm điểm thu hút. Tình yêu vọng tưởng mà cậu dành cho bà mẹ Connie Grace chuyển sang cô con gái Chloe Grace lập dị và quyến rũ. Rồi tấn bi kịch đã xảy ra trên vùng biển hoang sơ mang sắc thái tăm tối và vĩ đại như chính bản thân cuộc sống, cho cậu cảm nhận đầu tiên về cái chết, ám ảnh cậu suốt phần đời còn lại, vĩnh viễn làm thay đổi những gì đến sau…
Được viết với một thứ văn xuôi sáng rõ, đẹp đẽ đến ám ảnh, Biển vừa xoa dịu nỗi đau vừa là một khúc suy tưởng kỳ lạ về bản thể và dĩ vãng. Cuốn hút, cảm động và soi sáng, không còn nghi ngờ gì, đó là một trong những tác phẩm văn chương ưu tú nhất đến từ một bậc thầy xuất chúng về ngôn ngữ của văn chương thế giới.
Nhận định
“Banville là một bậc thầy, một nghệ sĩ đã hoàn toàn làm chủ được nghệ thuật của mình.”
– The Times
“Với những độc giả của văn chương nghiêm túc, Biển là một cuốn bắt buộc phải có. Người ta có thể đôi lúc đọc lại một câu trong đó chỉ để kinh ngạc trước vẻ đẹp, sự độc đáo và trang nhã của nó. Biển là một suy tưởng đặc biệt về lẽ sinh tử, nỗi buồn, cái chết, tuổi thơ và ký ức. Đó không phải là một tác phẩm dễ đọc, nhưng xuất sắc một cách không thể chối cãi”
– Deidre Donahue, USA Today
“Với Biển, Banville đã viết nên một cuốn tiểu thuyết cực kỳ cuốn hút về những công trình kỳ lạ của nỗi buồn và những tấn kịch vô cớ của ký ức. Sự vỡ mộng với ký ức hiện diện khắp nơi trong Biển, là lời chứng thực cho một thực tế rằng - với những ai mà Chúa Trời vắng mặt, kỷ niệm đã trở thành nguồn cứu rỗi.”
- Adam Phillips, London Review of Books