Con nhân mã ở trong vườnTác giả: Moacyr Scliar
Nhà xuất bản: Văn học
Số trang: 459
Khổ giấy: 12 x 20 cm
Có 173 lượt xem, từ ngày 22/12/2013
Giá bán:
56.000 đ
Trọng lượng: 0g
Số lượng:
Giá bán sản phẩm này: 56.000 đ
0 người mua
Tóm tắt tác phẩm "Con nhân mã ở trong vườn" kể về hành trình đi tìm chính mình của Guedali Tartakowsky, một chàng thanh niên Do Thái sinh ra đã mang lốt nhân mã. Trải qua một tuổi thơ yên bình trong sự che chở của gia đình, thế nhưng tình yêu thương ấy không thể khiến Tartakowsky nguôi ngoai cảm giác lạc lõng và khao khát hoang dã được phi nước đại trên những đồng cỏ mênh mông. Vì vậy, chàng đã ra đi. Cuộc gặp gỡ định mệnh với Tita- một nàng nhân mã cái đã làm thay đổi cả cuộc đời Tartakowsky. Tình yêu bắt nguồn từ cảm giác đồng chủng đưa họ tới hôn nhân, rồi tới quyết định cùng sang Morocco giải phẫu thành người bình thường. Thế nhưng khi có những điều mà cả hai luôn khao khát: đôi chân người, một cuộc sống sung túc, những đứa con bình thường, đặc biệt sau hành động ngộ sát người tình của vợ-một chàng nhân mã trẻ tuổi, Tartakowsky bắt đầu hoang mang về nhân dạng của mình và quay trở lại gặp vị bác sỹ xưa với mong ước thành nhân mã. Kết cục, dự định ấy không thành, chàng náu mình nơi thôn giã thuở thơ ấu, tìm kiếm sự thanh thản sau những điều đã sảy ra. Và chính tình yêu của Tina, của gia đình đã giúp Tarakowsky nguôi ngoai vết thương từ quá khứ để trở lại hòa nhập cuộc sống. Với lối kể chuyện giản dị, hấp dẫn, tình tiết lạ lùng, bất ngờ, Tartakowsky đã gửi tới người đọc một ẩn dụ sâu sắc về vấn đề muôn thuở: sự mâu thuẫn giữa "...cá nhân và xã hội, giữa bả ngã cá thể và luật chơi bầy đàn" (Trịnh Lữ) Lời dịch giả Trịnh Lữ "...Trong khi theo chân nhân vật chính Guedali trong suốt cuộc hành trình gian khổ để trút bỏ phần ngựa của anh đặng hòa nhập được vào xã hội Người, chúng ta sẽ còn được trải nghiệm và vỡ nhẽ rất nhiều điều thú vị về Tình yêu, cái thứ mà ai ai cũng mắc phải nhiều lần, nào là tình ruột thịt, tình lứa đôi, tình vợ chồng, tình bạn bè, tình đồng chí, tình đồng lọai...Và mọi thứ Tình ấy trong "Con Nhân mã ở trong Vườn" đều hồi hộp phập phồng chất nhục cảm phóng khoáng tự nhiên, với những bản năng tuôn trào khôn cưỡng, những thèm khát bạo liệt và những dịu dàng mơ mộng, những mưu mô tinh quái và ân hận nhầu nát, những lý tưởng ngây thơ mà xù xì sặc sụa ngay trước mặt, nói tóm lại là những cái rất "chúng ta". Và thú vị hơn cả là toàn bộ câu chuyện chỗ nào cũng long lanh những giọt hài hước mà chỉ một tâm hồn trung thực, mạnh mẽ và hướng thiện mới toát ra được..." Nhận định của Nhã Nam "Con nhân mã ở trong vườn" được đánh giá là một trong những kiệt tác của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, điều đó được thể hiện qua nhiều khía cạnh: cách kể chuyện, thái độ của nhân vật với cái kỳ ảo, ý nghĩa ẩn dụ của tác phẩm...nhưng có lẽ rõ nét nhất đó là hiện thực lai ghép được Moacyr Scilar xây dựng thành công. Một hiện thực vừa mang đậm dấu ấn của cuộc sống hiện đại với ô tô, cao ốc, công sở, vừa dung chứa những linh vật mang màu sắc huyền thoại như: nhân mã, nhân sư...Để cái kỳ ảo xâm nhập, tồn tại một cách sống động trong cuộc sống thực, Moacyr Scliar không chỉ tạo nên một bối cảnh hoàn hảo cho câu chuyện của mình, mà qua đó, ông còn thể hiện một cái nhìn mới về hiện thực: một hiện thực đa diện, bí ẩn, không nằm trong tầm nhận thức và kiểm soát của con người, một hiện thực vẫn còn đâu đó những loài linh vật ngỡ chỉ tồn tại trong huyền thoại. Đó là cái nhìn hiện thực đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo . Nhận định của văn giới và báo chí "Scliar là một nhà ngụ ngôn tầm cỡ thế giới có những tác phẩm vững chắc, độc đáo đang được một lượng độc giả lớn khám phá. Con nhân mã trong Vườn, theo tôi, có thể so sánh được với các tác phẩm của Franz Kafka, Nikolai Gogol, Philip Roth, Mordecai Richler và kẻ cả John Updike. Với nhân vật chính là Guedali Tartakowsky, một con nhân mã do người Do Thái sinh ra trong một gia đình của người Nga di cư sang Rio Grande do Sul, Scilar đã mô tả số phận bi thảm của ông ta thông qua một mớ hỗn hợp những hài hước, với văn phong điển hình: nhanh, dứt khoát, đậm chất tạo hình, cô đọng." - The University of Wiscosin Press ***** Trích đoạn tác phẩm TRẠI GIA SÚC Ở RIO GRANDE DO SUL 1954-1959 TÔI ĐI VỀ HƯỚNG BIÊN GIỚI VỚI ARGENTINA. (Chắc hẳn tôi đã qua vùng São Borja đúng vào lúc người ta mai táng tổng thống Getúlio Vargas. Tất nhiên là lúc bấy giờ tôi không biết tí gì về những chuyện như thế. Tôi chỉ biết phi nước đại mà thôi.) Một đêm mưa, tôi trú lại trong một túp lều bỏ hoang, một nơi lụp xụp giữa một cánh đồng mênh mông. Tiếng mưa rơi và tiếng ếch nhái ộp oạp đưa tôi vào giấc ngủ, một giấc ngủ súc vật có nguyên nhân, tôi nghĩ thế, từ những bắp thịt mỏi nhừ, những mối gân đau nhức. Một giấc ngủ lừa ngựa. Sáng hôm sau... Tôi giật mình tỉnh giấc, lòng đầy những dự cảm lạ lùng. Tôi đứng dậy và ghé mắt nhìn qua khuôn cửa sổ bé xíu của túp lều. Trời vẫn sầm sì mặc dầu mưa đã tạnh. Mấy con cừu đang hiền lành gặm cỏ; không một bóng người. Tại sao tôi lại giật mình? Nhưng có một cái gì đó. Tôi cảm thấy nó tận đáy lòng. Trong người tôi vang vang tiếng móng ngựa từ xa đang mỗi lúc mỗi gần. Tôi nheo mắt và bắt đầu nhận ra một cái gì đó ở phía chân trời. Một người cưỡi ngựa. Không, hai người cưỡi ngựa. Phóng thả sức, họ đang nhanh chóng đến gần. Người đằng trước có vẻ là đàn bà... đúng là một người đàn bà, có thể thấy rõ mái tóc dài tung bay tả tơi trong gió. Con ngựa trông rất lạ. Cái đầu nó ở đâu? Cái đầu con ngựa ở đâu? Không có đầu. Không phải ngựa. Người đang đuổi theo sau thì đúng là đang cưỡi ngựa, nhưng ở phía trước là một người đàn bà và ngựa nhập làm một, là nửa đàn bà, nửa ngựa, là... có thật là tôi đang nhìn thấy thế không? Đó là một con nhân mã cái. Một nhân mã cái! (Vậy là tôi không phải chỉ có một mình, chúng tôi đông hơn, có khi đông lắm chưa biết chừng!) Nhưng mà cô ta là một cô gái trẻ, có vẻ rất đẹp, cô ta ở đâu ra mới được chứ? Có phải cũng từ quận Quatro Irmãos như tôi không? (Chao ôi, nếu cha mẹ tôi...) Hay là từ Argentina, từ Nam Cực? (Thử tưởng tượng xem, giá Deborah và Mina mà biết được chuyện này!) Nhưng không có thời gian thắc mắc nữa, cô gái, con nhân mã cái, rõ ràng đang rất lo lắng; nó đang kiệt sức và hãi hùng, kẻ đuổi theo nó là một lão già, đã đến rất gần. Phải làm cái gì đó, con xin kính lạy Đức Jehovah, con phải làm gì? Giá mà tôi là con ngựa có cánh... "Dừng lại, con quỉ sứ kia! Dừng lại!" Lão già hét, rất hách dịch. ... Tôi sẽ đón lấy cô và nhấc cô lên tận những đám mây. Nhưng tôi không phải là con ngựa có cánh, tôi chỉ làm một con nhân mã sợ hãi, bực bội, và tôi phải làm gì đây? Ra khỏi nơi ẩn nấp, tấn công lão già ư? "Dừng lại không tao bắn!" Lão có một khẩu súng lục trong tay và chỉ còn cách con nhân mã cái chưa đầy một trăm bước, đang giơ súng lên ngắm, cả hai đều phóng thục mạng. Họ sẽ phi qua ngay trước cửa túp lều, ngay bây giờ, đây này. Tôi lao thẳng vào cánh cửa ọp ẹp, xô đổ nó, phóng thẳng ra ngoài về phía lão già. Lão ghìm cương, hai mắt trợn trừng, rú lên một tiếng kêu khiếp đảm. Con ngựa chồm dựng lên đúng lúc lão bóp cò súng, và lão ngã văng xuống đất. Con ngựa lồng chạy đi. Tôi thận trọng đến gần. Lão già đã ngã sấp mặt xuống đất và đang nằm bất động. Tôi quì xuống cạnh lão, lật lão lên. Tránh không nhìn vào hai con mắt trợn trừng đờ đẫn của lão, tôi đặt tay lên ngực lão. Tim lão đã ngừng đập. "Hắn đã chết chưa?" Đó là cô gái, con nhân mã cái, ở gần ngay bên tôi. Chúng tôi nhìn nhau. Cô ta xinh. Không xinh bằng cô gái ở khu nhà lớn, nhưng rất xinh; khuôn mặt thanh tú với đôi mắt đen mang nhiều dấu vết của huyết thống Indian. "Chết hẳn rồi," tôi vừa nói vừa đứng dậy. Cô bắt đầu khóc. Cô vẫn còn sợ hãi, có thể thấy rõ điều đó. Tôi muốn an ủi cô, muốn vuốt ve mái tóc đen dài của cô và nói rằng không có gì phải sợ nữa, mọi chuyện đều ổn cả rồi. Và tôi đã làm đúng như thế: tôi vuốt ve mái tóc nàng, tôi nói có chuyện gì đâu, mọi thứ đều tốt đẹp cả rồi. Tôi nhận nàng là đồng loại; nàng cũng nhận ra tôi là đồng loại. Chúng tôi đều cùng một chủng, thậm chí da nàng còn hơi giống da tôi, đều có màu hạt dẻ. (Đã có lần, lúc một mình ngắm nghía chính mình, tôi đã cay đắng nghĩ rằng chẳng những đã phải mang thân phận nhân mã, tôi lại còn phải mang bộ da màu hạt dẻ ngựa điển hình nữa! Nhưng bây giờ, bây giờ thì tôi hạnh phúc vì đã có bộ da hạt dẻ này. Nó thêm được một thứ chung nhau giữa đôi chúng tôi.) Nàng lau nước mắt bằng cánh tay của bộ áo choàng bó sát người màu trắng và nhìn tôi. Chỉ lúc này, khi nỗi hoảng sợ đã qua rồi, nàng mới có vẻ như nhận ra rằng tôi cũng có móng ngựa, rằng tôi cũng một nửa là ngựa như nàng. Kinh ngạc lộ rõ trên mặt nàng, kinh ngạc và sợ hãi. Tên tôi là Guedali, tôi nói để trấn an nàng. Nàng không hiểu. Cái gì cơ? Nàng hỏi, chau mày với một vẻ gần như khôi hài. Guedali, tôi nhắc lại. À, nàng nói, mọi người gọi tôi là Tita. Đột nhiên tôi nhớ ra rằng cả hai chúng tôi đều đang ở giữa chốn đồng không mông quạnh, hoàn toàn lộ liễu. Tôi giấu xác lão già vào chỗ mấy bụi cây, cầm tay nàng dắt vào trong lều, rồi ép nàng ngồi xuống cạnh tôi. Giọng nức nở, nàng kể cho tôi nghe câu chuyện của lão già đã chết, người chủ trại gia súc có cái tên Zeca Fagundes. Zeca Fagundes là người sở hữu tất cả đất đai xung quanh vùng này. Lão đã chuyển sang nghề nuôi cừu đúng vào lúc giá len trên thị trường quốc tế đang lên đến đỉnh điểm, và đã trở nên giàu có. Lão sống với vợ, Dona Cotinha, trong một ngôi nhà khổng lồ, phiên bản của một tòa lâu đài trung cổ, với hào nước và cầu rút, tường bao, tháp canh, đủ thứ. Hành lang dẫn vào phòng ngủ và những sảnh rộng thênh thang được trang hoàng với những bộ giáp trụ trung cổ nguyên bản, mua của một nhà chuyên sưu tầm và buôn bán có danh tiếng ở mãi tận Pelotas. Sàn nhà toàn bằng đá; những cửa sổ nhỏ đều có chấn song sắt rất lớn bảo vệ. Trong nhà thắp sáng bằng đuốc. Dưới tầng hầm có một ngục tối và phòng tra tấn có treo lòng thòng từ trên trần xuống một cái cũi sắt trong có một bộ xương người không có đầu lâu. Đó là hình phạt dành cho những nông dân nào ương bướng, Zeca Fegundas nói vậy, nhưng mọi người đều biết đấy chỉ là nói đùa. Bộ xương ấy là của một người tiều phu, một gia nhân đã qua đời khi đã trọn tuổi trời. Dona Cotinha, một người đàn bà nhỏ bé, gày gò và im lặng, luôn luôn vận đồ đen, không bao giờ bước chân ra khỏi nhà. Bà hiến mình cho nghệ thuật dệt thảm. Bà làm việc với những khung cửi cổ xưa đã từng là sở hữu của bà nội bà, cũng là vợ một trại chủ, bà dệt những sợi len xe từ lông cừu chồng bà nuôi thành những tấm tranh thảm có những hình vẽ đẹp: những biểu tượng gia huy của các dòng họ, những thú vật sống quanh vùng (lúc nào cũng thấy có đà điểu) hoặc những con vật huyền thoại như ngựa một sừng, sư tử đầu chim. Còn có cả những nhân vật trong các truyền thuyết ở vùng nam Brazil, như Salamanca do Jarau. Những bức tranh thảm ấy được treo trên tường đá, cách mặt tường ẩm ướt nhờ những cái móc sắt; chúng là niềm vui của Dona Cotinha, một người đàn bà u sầu cô quạnh. Người con trai duy nhất của bà không hợp với ông bố, anh ta sống ở Pôrto Alegre và học luật ở đó, anh ta học đã nhiều năm, chẳng bao giờ tốt nghiệp. Thỉnh thoảng họ lại nhận được những bức thư nặc danh nói những chuyện khủng khiếp về anh chàng trai trẻ này, tố cáo anh ta là một kẻ nghiện rượu và đồi bại, càng làm cho bà mẹ thêm sầu não. Zeca Fagundes, một con người rất dễ nổi nóng, rất ghét những con cừu của mình mặc dù chúng đã làm cho lão giàu có, coi lũ cừu là những con vật ngu xuẩn và hèn nhát. Lão cũng căm ghét những người nông dân làm việc trong trại của mình. Chúng bay tưởng tao không biết là chúng bay đi tơ cả với lũ cừu của tao chăng? Lão thường nói, giọng vừa nhẹ nhàng vừa giễu cợt, vừa thông cảm vừa cáu bẳn. Sao vậy ngài Zeca! Đám nông dân đáp, với lũ cừu ư! Ai mà nghe chuyện ấy bao giờ! Cái mà lão Zeca Fagundes thực sự ưa thích là những con ngựa của lão. Lão có không nhiều, hàng xóm lão có nhiều hơn lão đến hàng tá, nhưng chúng đều được lựa chọn cẩn thận: những con thuần chủng, những con chạy nhanh. Zeca Fagundes rất âu yếm chúng, và không cho phép một nông dân nào được bén mảng gần chuồng ngựa của lão. Lão tự cho ngựa ăn và chải chuốt cho chúng, từng con một. Sultan, con ngựa lang có bộ lông hạt dẻ và những đốm trắng, được lão yêu nhất. Zeca Fagundes cưỡi nó phi qua những cánh đồng, phanh ngực áo đón gió, mái tóc trắng tung bay. Hễ thấy một bầy cừu là lão sẽ thúc ngựa xua đuổi chúng. Lão xua lũ cừu mới khiếp làm sao! Lão sung sướng thấy lũ cừu chạy bán sống bán chết, kêu rống lên vì sợ hãi. Ngựa. Ngựa và đàn bà. Không phải Dona Cotinha xấu xí tẻ nhạt, cho dù là một người bạn đời trung thành, mà là đàn bà khác kia. Lão thường đem họ từ Bage và Alegrete về nhà: những cô gái bán hàng nhỏ nhắn sáng sủa, các bà các cô đã bỏ chồng, và cả gái điếm. Lão có cách thu xếp công việc cho họ trong trại nhà, người thì nấu nướng, kẻ dọn dẹp nhà cửa, người khác chuyên trả lời thư từ hoặc giữ sổ sách kế toán. Tất cả họ sống chung trong một gian phòng rộng có mái vòm dưới tầng hầm của tòa lâu đài. Lão sẽ vào đó, bất kể giờ nào, ngày hay đêm, chỉ tay vào một người: Lại đây, thị kia! Rồi đem cô ta vào một căn phòng bí mật, một phòng ngủ mà chỉ một mình lão có chìa khóa, nằm biệt lập bên trong một tòa tháp của khu nhà. Đám đàn bà không phải là tù nhân. Họ có thể đi nếu họ muốn. Nhưng họ không dám. Họ biết Zeca Fagundes sẽ tìm ra họ, cho dù có ẩn náu ở đâu, và sự trừng phạt sẽ rất ghê gớm, cái ngục tối ở ngay đó cạnh nơi họ ở, trong đó có phòng tra tấn (mọi người đều thậm thụt nói về những cái roi và than hồng ở trong ấy, chưa kể bộ xương trong cái cũi.) Họ thà ở lại. Ngoài ra, họ được ăn ngon, mặc đẹp, son phấn thơm tho, vì Zeca Fagundes không tiếc tiền cho những thứ ấy chút nào. Ta muốn thấy đám ngựa cái của ta xinh đẹp và thơm tho, lão thường nói vậy. Và trên giường thì lão luôn làm cho họ thỏa mãn, mặc dù tuổi tác. (Một lần, một cô gái không biết quê quán ở đâu xuất hiện ở trại. Cô còn trẻ, xinh đẹp, và tóc vàng, một của hiếm ở vùng này, với giọng nói mang thổ âm So Paulo. Cô ta tự nhận là người rất ham thích ngựa và đến chỉ để mong được tham quan tàu ngựa của Zeca Fagundes. Lão vừa tiếp cô ta vừa thấy sờ sợ; cô ta khiến cho lão thấy nghi ngờ, cái con đàn bà mặc bộ váy hở hang phấn son đậm và đầy người trang sức ấy. Trong câu chuyện, cô ta nói đã li thân với chồng và hoàn toàn thất vọng với đám đàn ông thành phố, đám người mà cô ta cho là rặt một phường oặt ẹo. Zeca Fagundes im lặng quan sát cô ta trong vài giây, rồi mời cô lên căn phòng ngủ trong tòa tháp. Cô đi liền. Trên giường thì cô ta cũng không có gì đặc biệt, nhưng lão vẫn đề nghị cô ở lại trại, có lẽ vì cô ta rất khác với đám đàn bà của lão. Cô nhận lời ở lại, "nhưng chỉ chốc nhát thôi," theo đúng lời cô nói, song Zeca Fagundes lạnh lùng bảo rằng trong cái trại này lão mới là người quyết định lịch trình và ngày giờ của mọi người. Lập tức mọi người thấy cô gái này không giống các cô khác, cái cô tóc vàng ấy. Cô ta không chịu ở trong gian phòng lớn dưới tầng hầm, mà đi khắp các nơi trong nhà, chõ vào đủ mọi việc, hỏi những câu hỏi khó chịu, lại còn ghi chép vào một cuốn sổ. Và cô ta định thuyết phục đám đàn bà nổi loạn chống lại Zeca Fagundes: Các bạn là nô lệ rồi, cô ta hét toáng lên, người đàn ông này thống trị tất cả các bạn! Trong một lần đến thăm bất ngờ, lão bắt gặp cô đang ghi chép. Lão tịch thu cuốn sổ tay, và khi cô định chống lại: Trả lại ta ngay, lão già bẩn thỉu kia! Lão đánh cô ngã gục ngay tại chỗ. Những điều ghi trong cuốn sổ còn làm lão phát khùng hơn nữa: đây là báo chí đây mà! Báo chí! Con này là nhà báo, đồ đĩ! Để trừng phạt, lão lột trần truồng cô gái, trói cô vào một cái cột trong buồng tra tấn, và lấy roi quất cô trước mặt tất cả đám đàn bà. Rồi lão ném cô lên lưng một con ngựa và đuổi cô về thành phố. "Chớ có quay lại đây nữa! Lão hét. "Mày có thể giữ lấy con ngựa ấy, đồ đĩ!") Con nhân mã cái nhỏ bé ra đời trong tòa lâu đài của Zeca Fagundes. Mẹ nàng là Chica, một người đàn bà Indian âm thầm và không được lão ưa chuộng tí nào. Sự có mặt của bà trong hậu cung của lão là cả một bí ẩn. Không ai biết lão thấy gì trong người đàn bà ấy. Người đàn bà Indian có mang và không nói cho ai biết. Hoặc giả bà che giấu rất khéo tình trạng của mình, hoặc vì chẳng có ai thực sự chú ý đến bà, nên đến ngày bà sinh nở cũng chẳng ai biết là bà bụng to. Nửa đêm, bà đi vào phòng tắm. Ở đó, ngồi xổm trong tư thế cổ truyền của đàn bà Indian khi sinh nở, bà rên rỉ rặn. Một người đàn bà khác, nghe thấy tiếng động, phát hiện ra bà, và tất cả họ bắt đầu chạy nháo nhào rồi kêu la ầm ĩ. Cuối cùng thì đứa bé cũng bắt đầu chui ra, mọi người xúm lại cố hết sức nâng đỡ bà; và rồi một cái chân ngựa thò ra, những tiếng rú hãi hùng, đến cái chân nữa, cái nữa, rồi cái nữa, và con nhân mã cái ra đời, mấy người đàn bà kêu rú lên, những người khác ngất lịm đi, còn bản thân người mẹ Indian thì hình như không còn biết chuyện gì đã xảy ra. Khi đã trấn tĩnh được một chút, đám đàn bà xem xét con vật đang ngọ nguậy và ư ử trên một tấm khăn trải giường. Sao lại có thể có một thứ lạ lùng đến thế được? Họ hỏi nhau, và có người chợt nhớ rằng Chica rất say mê những con ngựa của ông chủ. Chị định làm cái trò quái quỉ gì thế hả? Họ xúm vào hỏi bà. Người đàn bà Indian nằm phủ phục, hai mắt nhắm nghiền, không trả lời. Bà cứ nằm yên như thế cho đến lúc lên cơn sốt dữ dội, rõ ràng đấy là hậu quả của cuộc sinh nở, rồi bắt đầu rơi vào tình trạng điên điên khùng khùng trong nhiều ngày liền. Ngẫu nhiên, trong những ngày đó, Zeca Fagundes và bà vợ đều đang vắng nhà. Họ đi chơi suối nước nóng. Đám đàn bà không biết phải làm gì; họ không dám gọi bác sỹ, vì ông chủ không cho phép người lạ đến nhà. Họ cho người đàn bà Indian uống trà thảo mộc, mà bà chẳng uống được là mấy. Cuối cùng thì bà qua đời, mặc cho họ phải đối mặt với một thực tế là họ phải chăm nom con nhân mã cái nhỏ bé ấy. Họ không nghĩ đến chuyện kết qủa ngay cho cuộc đời con vật, như mụ đỡ ở Quatro Irmãos đã từng nghĩ. Họ sẽ chăm nom nó. Cũng giống cha mẹ tôi, họ quyết định giữ bí mật chuyện này. Nhưng họ cần có hỗ trợ, và vì vậy quyết định phải nói cho Dona Cotinha hay. Bà chủ vẫn luôn luôn thù nghịch với họ, nhưng bây giờ, họ tin thế, bà sẽ mủi lòng khi nhìn thấy con vật bé bỏng đáng thương. Và họ đã nghĩ đúng. Lúc đầu, Dona Cotinha không muốn dính dáng gì đến họ và không chịu bàn bạc gì hết: Các người đã phạm những tội lỗi vô liêm sỉ, đã sinh ra quái vật, mà lại còn đến đòi được giúp đỡ ư, ta sẽ không dính dáng gì hết, vì các người đều mang bệnh giang mai hết cả rồi! Nhưng khi họ đem đứa bé đến cho bà coi, bà thay đổi hoàn toàn; lúc đầu nó làm bà sợ hãi, nhưng chẳng mấy chốc nó đã làm cho bà xúc động đến chảy nước mắt, bà cũng là một người mẹ. Từ đó trở đi, một tấm tình ấm áp, một thái độ đoàn kết ngấm ngầm, đã nảy sinh giữa người vợ chính thức và đám nàng hầu kia. Theo lời khuyên của Dona Cotinha, đám đàn bà giấu con nhân mã cái nhỏ bé (họ đặt tên cho nó là Marta-Marta, Martita, Tita) trong một cái trái bằng gỗ bỏ không ngay cạnh gian phòng nơi họ ngủ. Họ cho đứa bé bú bình, và họ cũng phát hiện cái mẹo thêm xà-lách băm vào sữa cho nó, con nhân mã cái lớn lên khỏe mạnh. Lúc nào cũng phải lẩn trốn, nhưng được bao bọc giữa tấm lòng thương mến của những người đàn bà. Rất thông minh, nó học nói rất sớm, và cũng rất sớm biết đặt những câu hỏi. "Các mẹ ơi" (họ đều là mẹ của nó,) "tại sao con lại thế này? Sao con lại có những móng này, cái đuôi này? Sao con lại không giống như tất cả các mẹ?" Nó không hỏi gì đến cha, cũng không biết một người đàn ông là gì, chứ đừng nói đến việc tưởng tượng ra một thứ như thế. Nó không chịu sống như một tù nhân, chỉ biết đi quanh trong trái nhà ấy hoặc cùng lắm là chạy tung tăng trong gian phòng ngủ rộng lớn ấy (mà ấy là chỉ khi nào Zeca Fagundes không có nhà.) Nó thèm mặt trời, không khí tươi mát; nó thèm được biết tất cả về thế giới bên ngoài. Không được, những người đàn bà nói đi nói lại với nó, con không thể ra ngoài được, như thế quá nguy hiểm, họ sẽ giết con. Tuy nhiên, ngày lại ngày, nó càng lúc càng thêm bứt rứt không yên. Đám đàn bà bắt đầu hiểu rằng họ không thể giữ nó mãi được. Quả nhiên: vào lúc sáng sớm, đúng ngày sinh lần thứ mười Sáu của nó, con nhân mã cái mở cửa và lẻn ra ngoài, không ai biết. Trời vẫn tối, vì đang là mùa đông; nó không nhìn thấy gì mấy, nhưng cái cảm giác tự do đã khiến nó sung sướng đến chóng mặt. Nó quyết định chạy tung tăng một lúc khắp xung quanh, làm thế thì có hại gì cơ chứ? Còn rất sớm, mọi người đều vẫn đang ngủ cả. Nhưng không phải thế. Không phải mọi người đều đang ngủ: Zeca Fagundes đã dậy rồi, và đang đóng yên cương một con ngựa. Lão nhìn thấy con nhân mã cái đi qua, và dụi mắt vì kinh ngạc: có phải nằm mơ không đây? Có phải lão vừa thấy một cái gì nửa đàn bà nửa ngựa đó chăng? Nếu quả thật có một thứ như thế, nó phải là của ta! Chúa đem nó đến cho ta! Lão lên yên và quất ngựa đuổi theo cái nhỡn ảnh kì lạ ấy. Sau đó ra sao thì anh biết rồi, nàng vừa nói vừa lau nước mắt. Tôi nhìn nàng, nàng nhìn tôi. Tôi kéo nàng lại, ôm lấy nàng. Tôi cảm thấy cặp vú nàng sát bộ ngực trần của mình; chúng căng lẳn dưới lần vải áo của nàng. Tôi hôn nàng, chúng tôi hôn nhau, vụng về nhưng háo hức. "Thế này là thế nào hả Guedali?" Nàng hỏi trong một tiếng thì thào. "Anh đang làm gì vậy?" "Em đừng lo, Tita à," tôi nói. "Sẽ là một việc rất tốt, rất hay." Tôi muốn yêu nàng theo kiểu của mọi người, như vẫn được minh họa trong các cuốn sách tôi đã đọc, nhưng không thể được, vì có quá nhiều vướng víu, quá nhiều cồng kềnh, quá nhiều móng ngựa. Cuối cùng tôi nhảy lên nàng theo kiểu ngựa, lúc làm như vậy tôi bị đập cả đầu vào mái lều, thật sự là chọc thủng cả một lỗ qua lần tranh lợp, tôi cúi về phía trước, hai cánh tay ôm lấy nàng từ đằng sau, hai bàn tay nâng chặt lấy cặp vú nàng, thì thầm những lời âu yếm vào tai nàng, và nhẹ nhàng luồn vào nàng. "Thích quá," nàng rên lên khi hai cơ thể rộng lớn của chúng tôi đều lẩy bẩy vì khoái cảm, "em thích lắm..."Sản phẩm liên quan
|
Đăng nhập Văn học nước ngoài Hỗ trợ trực tuyến
Dữ liệu đang cập nhật...
Địa chỉ liên quan Top thành viên Thống kê truy cập
|
Hiệu sách Online
Bản quyền thuộc Công ty Cổ phần truyền thông Văn Hóa Việt - 173 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Giấy phép đăng ký Kinh doanh số 0102732228 cấp ngày 24/04/2008 tại Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố Hà Nội.
Người đại diện: Ông Đỗ Việt Trung
Điện thoại:
Email: info@hieusach.vn