Sơ lược về tác phẩm
Rừng hoang bao gồm hai phần (Theo gió bay đi và Lửa trời) là hai bức tranh về đời sống của người Tạng ở bản Cơ, vùng Tứ Xuyên. Theo gió bay đi giống như những trang truyền thuyết thời hiện đại về cuộc đời mông muội, bức bối, chìm đắm trong mê tín, kỳ thị. Lửa trời là hình ảnh bản Cơ trong cuộc cách mạng văn hoá Trung Hoa.
Nhân vật chính của phần I là cậu bé Cách La. Cách La là đứa con hoang sống cùng với bà mẹ bị điên. Cả làng tin rằng chính vì quả pháo của nó mà thằng bé Thỏ đã chết. Sự xa lánh, khinh miệt của xóm làng đã giết chết cuộc đời của Cách La. Nó chết mà cũng không biết là mình đã chết, âm hồn mãi lang thang trong những cánh rừng để kiếm thức ăn về nuôi mẹ.
Ở phần II, bản Cơ bước vào cách mạng văn hóa, ngơ ngác và tàn nhẫn. Thầy mo Đa Lai, người luôn hy vọng cuộc sống thanh bình cho dân bản, nhận lấy tội đốt rừng. Vụ cháy lớn nhất từ trước đến nay trên vùng đất heo hút ấy trở thành một ngày hội của cả bản.
Luồng gió cách mạng văn hóa thổi vào những mảnh đời dốt nát, cả tin và tàn nhẫn, đã tạo thành một bối cảnh nực cười, chua xót ở đây.