“Sonechka” là câu chuyện có âm hưởng của một bài thơ buồn kể về cuộc đời nhân vật chính: nàng Sonechka. Trải qua một tuổi thơ trầm lặng gắn liền với những cuốn sách, Sonechka bước vào cuộc sống mới, sát cánh bên chồng là Robert Victorovich-một hoạ sỹ tài danh nhưng không được chế độ công nhận, để cùng xây dựng gia đình nhỏ giữa những tháng ngày gian khó. Thế nhưng đến cuối đời hạnh phúc sụp đổ trước mắt Sonechka, Tania- đứa con gái duy nhất bỏ đi cùng người tình nghiện ngập, Robert Victorovich không thể cưỡng lại sức quyến rũ của cô nhân tình trẻ tuổi. Tất cả đều quay lưng lại với bà nhưng đều được bà tha thứ.
Với một văn phong trang nhã, giàu chất thơ, cách kể chuyện thông minh, hóm hỉnh, bút pháp miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo, Ludmila Ulitskaya đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Sonechka. Đồng thời tác phẩm là sự trở lại ấn tượng và xúc động của văn học Nga với mỗi độc giả Việt Nam.
Trong vô số cuốn sách, có những tác phẩm văn chương đã tìm ra con đường chân thực để soi rọi cho sự tồn tại của chúng ta. "Sonecka" là một cuốn sách như vậy. Phảng phất chiều sâu của chững chiêm nghiệm cuộc đời, đó không chỉ là chuyện về tấm lòng nhân hậu và thanh khiết của Sonechka, hay về cuộc sống đời thường đã trầm lặng trôi đi trong những năm Xô Viết cũ, mà rộng lớn và sâu sa hơn, là cảm giác về sự đơn giản tuyệt vời của số phận, về sự lặng lẽ của nội tâm vượt qua trắc trở, về một dòng đời miên man trôi chảy, bao bọc lấy tình thương và những cố gắng sáng tạo của mọi người. Với "Sonechka", tiểu thuyết Nga đương đại dường như đã tìm lại được những giá trị phổ quát của một nền tiểu thuyết vĩ đại trong quá khứ.
“Ở Mỹ, chúng ta có bốn kiểu tình yêu: tình yêu với bạn bè, với gia đình, với người tình và cha mẹ. Ở Nga, người ta có thực sự có hơn thế? Ludmila Ulitskaya dường như đã làm được điều đó. Trong cuốn "Sonechka", Ulitskaya đã kể cho ta câu chuyện về những tình yêu khác nữa bằng một thứ văn xuôi đậm chất thơ cùng những nhân vật kỳ lạ, quến rũ.”
“...Và trong cuốn tiểu thuyết đáng kinh ngạc "Sonechka", nữ nhân vật chính, một cô mọt sách trở thành nàng thơ, rồi trở thành người mẹ, đã bộc lộ một tình yêu và lòng chung thuỷ đáng sửng sốt bởi sự quảng đại cũng như vẻ lạ lẫm trong sự cảm động của nó”
“Trong câu chuyện này, tình yêu và cuộc sống diễn ra dưới sự kiềm toả của áp chế, trong những thiếu thốn vật chất, trong sự phục tùng hay chấp nhận như một lẽ đương nhiên đối với những gò bó tràn lan của chế độ...Nếu như sống tốt là cách trả thù hay nhất thì các nhân vật của Ludmila Ulitskaya, trong khi gìn giữ những ân sủng duy nhất mà cuộc đời đã mang lại cho họ, là những người hùng của đời thường, khi câu chuyện ngộ nghĩnh và dịu dàng về họ được kể ra một cách thông minh”
“Sonechka thể hiện một sức mạnh tiềm tàng và sự thấu suốt đến không ngờ của tính nữ”
Một tháng trước khi Sonechka sinh con thì kết thúc thời hạn của chuyến công tác vô định mà Robert Victorovich đã kéo dài đến hết khả năng. Ông nhận được chỉ thị cần lập tức quay về làng Davlenkanovo ở Baskiria28, nơi ông phải sống cho hết kì hạn lưu đày trong sự hy vọng tới một ngày mai, mà Sonechka vẫn cho là tươi đẹp, nhưng Robert Victorovich thì lại thấy khá nghi ngờ.
Cả ông bố lẫn bà mẹ đã ốm đau nặng vì bệnh phổi đều thuyết phục Sonechka ở lại thành phố, cho dù chỉ đến khi sinh con xong, nhưng cô dứt khoát đi theo chồng. Hơn nữa Robert Victorovich cũng không muốn tách khỏi vợ. Chính tại điểm này, người thợ đồng hồ già nua thoáng cảm thấy một chút bất bình duy nhất đối với chàng rể. Ông lão vừa mất đứa con trai và người con rể lớn nên đã hòa hợp một cách lặng lẽ và gần gũi với Robert Victorovich. Giờ đây, trong thế giới đảo ngược này, sự khác biệt về giai tầng xã hội giữa họ hầu như không còn đáng kể nữa. Nói đúng hơn, cuộc sống hiện tại đã làm lộ tẩy tất cả những ưu việt giả tưởng của giới trí thức trước những người vô sản. Về những gì còn lại, phần chìm dưới nước của tảng băng ngầm văn hóa của họ cũng chỉ là một...
Cả nhà sửa soạn hành lí cho Sonia trong vòng một ngày đêm – đó là thời hạn mà người ta dành cho Robert Victorovich để ông hoàn tất mọi công việc. Bà mẹ tuôn những giọt nước mắt vàng vọt29, hối hả viền mép những chiếc tã, dịu dàng vắt sổ những tấm áo lọt lòng được cắt từ chiếc áo ngủ đã cũ bằng chiếc kim nhỏ xíu quý giá. Chị gái của Sonechka, chồng vừa hi sinh ngoài mặt trận, ngồi đan những chiếc tất chân tí hon bằng len đỏ, đôi mắt bất động thẫn thờ nhìn phía trước mặt. Bố Sonechka kiếm được một pút30 kê, ông san thành từng túi nhỏ và cứ nhìn Sonechka với vẻ nghi ngờ, đã đến tháng thứ chín rồi nhưng gần đây cô gầy đến nỗi thậm chí không cần nới cúc váy. Có lẽ người ta nhận ra cô đang mang bầu không phải qua dáng người thay đổi, mà qua khuôn mặt hơi đẫy và đôi môi sưng phồng nứt nẻ.
- Chắc là con gái rồi, - bà mẹ nói khẽ. - Bọn con gái bao giờ cũng hút hết nhan sắc của mẹ...
Chị gái Sonechka thờ ơ gật đầu, còn Sonechka thì lơ đãng mỉm cười và luôn miệng khấn thầm: “Lạy Chúa, xin hãy ban cho con một đứa con gái... nếu có thể thì da thật trắng...”
* * *
Đêm đó, người nhân viên đường sắt quen biết sắp xếp đưa họ lên một toa còn giữ được dấu vết sang trọng xưa kia qua những tấm vách giống như lát gỗ quý trên đoàn tàu nhỏ chỉ gồm ba toa đỗ cách nhà ga chừng cây số rưỡi. Thế nhưng những chiếc đi văng da mềm và chiếc bàn gấp đã bị tháo đi từ lâu và sự xa hoa kiểu Pullman31 được thay thế bởi những chiếc ghế băng bằng gỗ.
Từ Sverdlovsk đến Upha32 họ đi hết một ngày đêm rưỡi trên toa tàu chật ních. Suốt dọc đường không hiểu sao Robert Victorovich cứ nhớ lại chuyến đi bốc đồng thời trẻ đến Barcelona33, cái thành phố mà ông đã vội vàng lao đến đến ngay sau khi nhận được món nhuận bút lớn đầu tiên, vào khoảng năm hai mươi ba hoặc hai mươi bốn34 gì đấy, để làm quen với Gaudi35.
Sonechka hầu như ngủ suốt dọc đường. Gác chân lên cái túi căng phồng đựng chăn gối, cô tin cậy tựa đầu vào khuôn ngực gầy gò của chồng. Còn ông thì cố hình dung lại con phố nhỏ ngoằn ngoèo, dốc ngược, nơi có khách sạn mà ông đã ở, phía trước cửa sổ có một đài phun nước hình tròn hồn nhiên. Ông nhớ lại khuôn mặt ngăm nâu với những lỗ mũi xinh như tạc của cô gái điếm có sắc đẹp lạ thường mà ông đã bao suốt một tuần ở Barcelona như một bà hoàng... Ông lục lọi trong trí nhớ và dễ dàng tìm thấy những chi tiết nhỏ nhặt và rất rõ ràng: cái mũi diều hâu của người bồi khách sạn, đôi giầy đan bằng da bê màu vàng nhạt tuyệt đẹp mà ông mua ở cửa hiệu khiêm tốn treo tấm biển đề mỗi chữ “Home” màu xanh. Thậm chí ông nhớ cả tên cô bé ở cái thành phố Barcelona ấy – nàng tên là Conchetta! Nàng là người Ý, từ vùng Abruzzi đến đây... Còn Gaudi thì ông tuyệt nhiên không có cảm tình... Giờ đây, một phần tư thế kỉ đã trôi qua, ông vẫn nhớ tỉ mỉ từng chi tiết, như thấy rõ ràng trước mặt mình những công trình xây dựng lạ lùng, nhọn hoắt như một đám ngọn cây, trăm phần trăm bịa đặt và chẳng thực tế một chút nào36...
Sonechka hắt hơi, lơ mơ thức giấc và nói lẩm bẩm điều gì đó. Ông siết chặt cánh tay mơ màng của cô vào mình và trở về với thực tại Upha, về xứ Baskiria hoang dã, vừa lắc mái đầu hoa râm vừa mỉm cười ngỡ ngàng: “Không nhẽ mình đã từng ở đó? Không nhẽ bây giờ mình đang ở đây? Hoàn toàn chẳng thực một chút nào...”
* * *
Khi xuất hiện những dấu hiệu trở dạ đầu tiên, Robert Victorovich đưa Sonechka đến ngôi nhà hộ sinh nằm ở rìa một ngôi làng lớn bằng phẳng, trên khu đất bị giẫm nát trơ trọi không cây cối. Đó là một ngôi nhà đắp bằng đất sét trộn rơm, nghèo nàn, với những ô cửa sổ bé tí, mờ mịt.
Vị bác sĩ độc nhất làm việc ở đó là một người đàn ông đứng tuổi tóc vàng, da mặt mịn và hơi đỏ. Đó là pan37 Giuvalski, một người Ba Lan lưu vong, trước đây là đốc tờ thời thượng ở Varsava, một người thuộc giới thượng lưu và thích rượu vang. Ông ta đang đứng quay lưng về phía những người mới vào, áo bludông của ông trắng muốt chẳng hợp tình hợp cảnh chút nào, nhưng lại khiến cho người ta an dạ. Pan vừa nhấm ngọn đám râu sáng màu vừa dùng miếng da mịn lau cặp kính to đại. Mỗi ngày ông đến gần bên ô cửa sổ này mấy bận, ngó ra khoảng đất không ra hình thù gì mọc đầy những cụm cỏ bẩn thỉu thay cho con đường Erusalimski ngay ngắn rợp bóng cây mà các ô cửa sổ bệnh viện tư của ông ở Varsava trông xuống, và chấm đôi mắt chảy nước của mình bằng chiếc mùi soa Anh Cát Lợi màu đỏ kẻ ô xanh cuối cùng còn giữ lại được...
Vừa mới khám cho một phụ nữ Barskiria không còn trẻ đã cưỡi ngựa bốn mươi verxta38 đến đây, sau khi quát hộ lý: “Rửa ráy cho cô này!” – bây giờ ông đang cố ngăn cơn run rẩy cứ bùng lên trong ngực vì cảm thấy bị xúc phạm. Ông buồn rầu nhớ tới những nữ khách hàng mũm mĩm mịn màng, bóng láng trước đây, hồi tưởng về mùi hương ngọt ngào như sữa từ những bộ phận sinh dục được nâng niu béo tốt và quý giá của họ.
Ông ngoảnh lại vì cảm thấy có ai đấy sau lưng mình, và nhận ra một phụ nữ dáng thô còn trẻ mặc chiếc áo choàng sáng màu đã cũ đang ngồi trên ghế băng và một người đàn ông tóc hoa râm, mặt nhọn, mặc một chiếc áo vét đã vá.
- Cảm phiền bác sĩ... - người đàn ông lên tiếng, và pan Giuvalski lập tức linh cảm thấy đây là người thuộc tầng lớp của mình, những người trí thức Do Thái thường xuyên bị chà đạp. Ông bước lại gần họ với nụ cười nhận biết người quen:
- Mời ông bà... Xin mời... Ông cùng bà nhà? - pan Giuvalski thốt lên nửa như hỏi, vì nhận thấy giữa hai con người chênh lệch khá lớn về tuổi tác và bề ngoài có vẻ ít hợp nhau này có thể có mối quan hệ khác. Ông đưa tay chỉ về phía tấm ri đô, nơi có một phòng khám nhỏ xíu được ngăn lại dành cho ông.
Ông bác sĩ khám cho Sonechka chừng mười lăm phút, khẳng định là cô sắp trở dạ, nhưng bảo phải chờ đến khoảng mười giờ, nếu như mọi việc trôi chảy và đúng hạn định.
Sau khi Sonechka được đặt nằm trên chiếc giường phủ vải sơn lạnh lẽo, pan Giuvalski vỗ vào bụng cô bằng một động tác đúng hơn là của một bác sĩ thú y, rồi tới bên người đàn bà Baskiria, ba hôm trước đây đã đẻ một đứa con bị chết và mọi chuyện đều tốt đẹp, nhưng bây giờ hóa ra lại chẳng tốt đẹp nữa.
Khoảng hai tiếng rưỡi sau, với những giọt nước mắt to chảy dài trên đôi má nhẵn nhụi, ông bác sĩ bước ra hiên, nơi Robert Victorovich đang rầu rĩ ngồi bất động, không dám đi đâu. Pan Giuvalski thì thầm vào tai Robert Victorovich bằng giọng bi thảm:
- Tôi đáng bị bắn chết. Tôi không có quyền giải phẫu trong điều kiện như thế. Tôi không có gì, hoàn toàn chẳng có gì trong tay cả. Nhưng tôi không thể không mổ được. Chỉ một ngày nữa là cô ta sẽ chết vì nhiễm trùng huyết!
- Nhà tôi bị làm sao? - Robert Victorovich hỏi bằng giọng tê dại, tưởng tượng ra cảnh Sonechka đang hấp hối.
- Ôi, lạy Chúa! Ông tha lỗi cho tôi! Bà nhà thì ổn cả, đang chuyển dạ. Đây là tôi nói về cái cô người Baskiria cơ mà...
Robert Victorovich cắn răng rủa thầm. Ông không thể nào chịu nổi những người đàn ông dễ xúc động, lúc nào cũng muốn thổ lộ cảm xúc của mình. Ông mím môi, ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác... Trong khoảng thời gian chừng mười lăm phút, khi pan Giuvalski nói chuyện ngoài hiên, Sonechka đã sinh ra một cô bé con nặng hơn hai kí, trắng trẻo, mặt thon, đúng hệt như mong ước.
* * *
Tất cả mọi chuyện của Sonechka đã thay đổi một cách trọn vẹn và sâu sắc, cứ như thể quãng đời trước đây của cô đã ngoảnh lưng ra đi và mang theo nó mọi điều chứa đựng trong sách vở mà Sonia đã từng xiết bao yêu quý, để rồi thế vào chỗ ấy là những gánh nặng không thể tưởng tượng được của sự bấp bênh, nghèo đói cơ cực, rét mướt, những lo lắng bất an mỗi ngày về đứa con gái Tania bé bỏng và Robert Victorovich đau ốm liên miên.
Cái gia đình của họ quả khó mà sống được, nếu không có sự giúp đỡ thường xuyên của bố Sonechka. Ông đã xoay xở để kiếm và gửi cho họ mọi thứ thiết yếu. Đáp lại tất cả những lời nài nỉ của bố mẹ bảo đưa con về Sverdlovsk trong thời kì khó khăn đó, Sonechka chỉ khăng khăng: con với Robert Victorovich cần phải ở cạnh nhau.
Sau mùa hè mưa như thể một mùa thu bất tận, mùa đông khắc nghiệt ập đến không mảy may có một giai đoạn chuyển tiếp nào. Trong ngôi nhà lung lay, tường xây bằng đất nhồi rơm ẩm ướt, Sonechka đã nhớ đến căn phòng dưới tầng hầm ở khu quản lý nhà máy như thể hồi tưởng về khu vườn địa đàng miền nhiệt đới.
Nỗi lo lắng lớn nhất là củi. Thỉnh thoảng, trường đào tạo thợ máy liên hợp nơi Robert Victorovich làm kế toán cho mượn ngựa, nên ngay từ mùa thu ông đã thường xuyên ra thảo nguyên, cắt một thứ cỏ khô thân cao, nom giống cây lau, mà ông không biết tên gọi là gì. Một xe cỏ khô chất cao có ngọn đủ để đốt trong hai ngày, đó là kinh nghiệm mà ông đã biết từ mùa đông trước chuyến đi công tác đến Sverdlovsk.
Ông đóng cỏ khô thành từng bánh nhỏ như viên gạch và chất đầy trong kho đựng củi. Rồi ông bóc một phần sàn nhà trước đây chính ông đã lát kín do không lường đến có khi cần cất giữ khoai tây. Ông đào một cái hầm dưới nền nhà, để cho khô rồi gia cố lại bằng những tấm ván lấy trộm được. Thấy ông làm nhà tiêu, lão hàng xóm già Ragimov lắc đầu cười khẩy: ở cái xứ này, một tấm ván khoét lỗ đã bị coi là quá xa xỉ, từ xưa tới giờ người ta chỉ cần kiếm một chỗ không xa lắm, gọi là “ra đồng”, thế cũng đủ lắm rồi.
Robert Victorovich dẻo dai, bền bỉ và gân guốc, sự mệt mỏi thân xác an ủi tâm hồn ông, vốn rất ớn sự tính toán vô ích các con số trong những bản thống kê dối trá, những biên bản thanh lí giả mạo về xăng dầu, phụ tùng bị ăn cắp, về số hoa màu mà người coi vườn, một tay khokhol39 trơ trẽn vui tính có cánh tay phải tàn tật, đã bán trộm tại ngôi chợ trong vùng.
Thế nhưng mỗi buổi tối, khi mở cánh cửa nhà mình, trong ánh lửa phập phồng tỏa ra từ ngọn đèn dầu hỏa, trong đám mây mù chập chờn lay động, Robert Victorovich đều trông thấy Sonia đang ngồi trên chiếc ghế duy nhất đã được ông cải tạo thành chiếc ghế bành, và mái đầu xam xám bé nhỏ bù xù một cách mềm mại của đứa trẻ, giống quả bóng tennit cứ như thể bị dán chặt vào cái phần thót lại của khuôn ngực đồ sộ tựa chiếc gối bông của cô. Tất cả những cái đó - từ làn ánh sáng nhấp nhô cho đến dòng sữa nóng ấm vô hình, và có cả những dòng điện thầm kín nào đấy dường như cũng đang phập phồng một cách nhẹ nhàng tinh tế nhất, khiến ông xúc động lặng người đi, quên cả khép cửa. “Anh ơi, cửa kìa!” – Sonechka dài giọng thì thào, toàn thân bừng sáng trong nụ cười mừng rỡ đón chồng. Cô đặt con gái nằm ngang trên chiếc giường duy nhất của họ, lấy từ dưới gối ra một chiếc xoong và đặt nó lên chính giữa chiếc bàn trơ trụi. Ngày nào may mắn thì đó là xoong đựng món xúp đặc sánh nấu bằng thịt ngựa cùng với khoai tây tăng gia được và hạt mạch do bố gửi đến. Sáng tinh sương, con bé ngọ nguậy làm Sonechka tỉnh giấc, cô kéo nó vào bụng mình, trong khi bờ lưng ngái ngủ của cô cảm nhận sự hiện diện của chồng. Không mở mắt, cô vạch áo, lôi một bên vú đến sáng đã cương cứng, bóp nhẹ vào núm vài lượt, hai tia sữa dài bắn vào mảnh giẻ hoa mà cô dùng để lau vú. Con bé bắt đầu cựa mình, chúm môi, chóp chép và ngoạm lấy những núm vú như con cá nhỏ đớp được miếng mồi lớn. Sữa nhiều, dễ dàng chảy, cô con gái vừa nún sữa, vừa thỉnh thoảng lại giật, nhay nhẹ nhàng vào núm vú của mẹ, mang lại cho Sonechka một sự khoan khoái mà không hiểu bằng cách nào đó chồng cô cảm nhận được. Và ông cũng bừng tỉnh đúng vào thời điểm tinh sương đó. Ôm lấy tấm lưng rộng của vợ, ông ghen tỵ ghì cô vào lòng mình, và Sonechka lặng người bởi gánh nặng hai lần của niềm hạnh phúc khó mang nổi ấy. Trong những tia sáng đầu tiên của một ngày, Sonechka mỉm cười trong khi thân thể cô lặng thầm và sung sướng làm dịu bớt cơn đói khát của hai sinh linh quý báu nhất đang ở sát bên mình.
Cảm giác ấy trong buổi bình minh chiếu sáng suốt cả ngày, công việc gì cũng được cô hoàn thành một cách nhanh chóng và khéo léo. Mỗi một ngày trôi qua đều không hòa lẫn vào những ngày khác, mà được Sonechka ghi nhớ một cách riêng biệt, khi thì với cơn mưa lười biếng ban trưa, khi thì với một con chim lớn chân cong, lông màu sắt gỉ, từ đâu bay đến đậu trên hàng rào, hoặc với chiếc răng sữa đầu tiên nứt ra trên hàng lợi sưng của con gái. Sonechka gìn giữ suốt đời hình ảnh của từng ngày riêng biệt, hương vị, màu sắc của nó, từng lời nói của chồng, những câu ngoa dụ đặc biệt và lí lẽ chắc nịch, được nói ra trong một phút giây nào đó. Cô cần cái công việc tinh tế và vô nghĩa lí này của trí nhớ...
26 Tức là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
27 Thành phố ở Bỉ, nơi lần đầu tiên sử dụng vũ khí hóa học.
28 Nước cộng hòa tự trị ở Liên Xô cũ, nay thuộc Liên bang Nga, thủ phủ là Upha.
29 Nguyên văn
nghĩa là "những giọt nước mắt màu vàng".
30 Đơn vị đo khối lượng của Nga, bằng khoảng 16 kg.
31 Pullman, George Mortimer (1831-1897): nhà sáng chế người Mỹ, sáng lập Hãng xe Hoàng Gia Pullman chuyên sản xuất xe hơi và toa xe lửa hạng sang.
32 Thủ đô của nước cộng hòa tự trị Baskiria, thuộc LB Nga.
33 Barcelona: thành phố cảng ở Tây Ban Nha.
34 Ở đây, tác giả viết muốn nói về những năm ba mươi của thế kỉ XX.
35 Gaudi y Cornet Antonio (1852-1926): kiến trúc sư người Tây Ban Nha.
36 Ở đây, có lẽ tác giả muốn nói đến nhà thờ Sagrada Familia ở thành phố Barcelona, được xây theo thiết kế của Gaudi y Cornet.
37 Pan: có nghĩa là ngài, ông (tiếng Ba Lan).
38 Dặm Nga, đơn vị đo lường cũ, bằng 1,06km.
39 Tức là người Ukraina, gọi đùa hoặc xách mé.