Sơ lược về tác phẩm
Giờ phút xếp lại những bức thư của người cha vừa khuất là dịp để con gái thổ lộ nỗi đau giằng xé tâm can vốn kìm nén suốt hai mươi năm trời cha con xa cách. Gọi là Thư chết bởi thư gửi tới người quá cố, cũng chính vì thế mà không bao giờ đến được tay người nhận, dù cho từ ngòi bút của Linda Lê đã chảy ra thứ mực nhuốm màu day dứt, tiếc nuối, dù cho từ đáy tim đứa con lưu lạc ấy đã nhỏ ra những giọt nước mắt khô cằn thay cho một lời tạ lỗi muộn màng.
Lá thư giống như lời thỉnh cầu âm thầm trước vong linh người cha, hiển hiện qua những dòng chữ không chút hoa mỹ là một khao khát mãnh liệt được giành đoạt lại, được nối kết, được hàn gắn thêm lần nữa. Giá thử hồi sinh là điều có thể thông qua việc viết, thì chắc chắn Linda Lê đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh điên rồ ấy.
Nhận định
“Nhưng thứ ngôn từ tinh khiết và thứ năng lượng của sự tuyệt vọng nơi Linda Lê trao cho khúc độc thoại này một sức mạnh hiếm thấy, ngang ngửa Thomas Bernhard hay Stig Dagerman.”
- Baptiste Liger, Lire
“Tuy nhiên người ta sẽ nhầm nếu chỉ đọc ra trong Thư chết một câu chuyện bệnh hoạn hay u tối. Cuốn sách tang tóc này cũng là cuộc tìm kiếm một tuổi thơ đã mất, một thiên đường không bao giờ tình tứ, mà được dệt nên bởi tình yêu giữa đứa trẻ và cha của nó.”
- Czarny Norber
“U ám, thấu tỏ, câu chuyện này tồn tại như một tinh thể thi ca trong vắt.”
“Thư chết giống như một bức thư người ta tự gửi cho mình, một mệnh lệnh, một cuộc hẹn. Kết cuộc là một sự tĩnh lặng tuyệt đối, cho phép cảm xúc giận dữ dồn nén bên trong được choán đầy không gian.”