Tiểu thuyết ngắn này được dẫn dắt bởi một người dẫn chuyện không tên, như một bóng ma ám theo những cư dân bị tổn thương và lạc lối của cuộc sống đô thị, mời chào họ tìm sự ủy an nơi cái chết. Hai anh em C và K cùng yêu một cô gái tên Se Yeon. Cô gái Hồng Kông từng làm nghề ma nơ canh kỳ lạ. Nữ nghệ sĩ trình diễn chưa một lần cho phép ai được ghi hình. Dòng chảy cuộc đời họ có thể giao nhau, có thể không, nhưng sự tồn tại của họ trong suốt các trang sách này đều chưa từng ngưng thống khổ. Bằng một thứ văn chương mơ màng và đậm chất xi nê, gợi tình và uể oải, Kim Young Ha đã viết về cuộc vật lộn vô vọng để tìm kiếm mối liên hệ của cá nhân và thế giới nơi họ sống, về nỗi tuyệt vọng dưới hình hài sự chán chường, sự giải thoát được sinh ra từ hủy diệt, về cái chết trở thành một phần của sự sống; để rồi đến khi tựu hình, Tôi có quyền tự hủy hoại bản thân thực sự là một hư cấu không mấy dễ đọc, không mấy dễ chịu, nhưng đầy sức ám ảnh với những ai kiếm tìm điều gì đó nằm bên ngoài ánh sáng và niềm hân hoan đơn thuần.
Nhận định
“Lôi cuốn và dị thường; với cách kể chuyện duyên dáng, cây bút trẻ này đã viết nên một cuốn sách về tình yêu và cái chết, mang đậm phong cách Seoul thập niên 1990.”
- Lire
“Tiểu thuyết của Kim là những mảnh vỡ từ trí tưởng tượng tuyệt vời của anh. Với sự sáng tạo khác thường, những hình ảnh kỳ lạ, và các câu chuyện được xây dựng dựa trên nhau, lồng vào nhau như một trò chơi vi tính - anh làm rối trí độc giả cũng nhiều như khiến họ say mê.”
- Tạp chí văn học Leaders Korea
“Với cuốn sách này, Kim đã trở thành một nhân vật đi đầu có tầm ảnh hưởng lớn trong nền văn học Hàn Quốc.”
- Spiegel Spezial (Đức)
“Lạnh, đậm chất đô thị, và rất thông minh.”
- Suddeutsche Zeitung (Đức)