Cuốn sách lấy bối cảnh thời gian thành phố Thượng Hải từ những năm 40 đến cuối thập kỉ 80. Vương Kỳ Dao đang là một cô nữ sinh bình thường bỗng nhiên trở thành một người nổi tiếng nhờ bức ảnh đăng trên bìa tạp chí Đời sống Thượng Hải. Cô tham gia vào cuộc sống ồn ào của những dạ tiệc, giành giải Á khôi trong cuộc thi hoa hậu Thượng Hải rồi sau đó nhanh chóng trở thành tình nhân của một vị quan chức. Kỳ Dao về Giang Nam sau khi người tình chết trong một tai nạn máy bay. Nhưng nỗi nhớ Thượng Hải trỗi dậy, cô trở về phố Bình An làm tiêm thuê kiếm sống. Cô có mang với một người con trai nhưng đành phải gán cho một người khác và sinh con trong cô độc, chỉ có người chụp ảnh cho cô ngày xưa còn ở cạnh. Vi Vi, con gái cô lớn lên, khác hẳn với mẹ, theo chồng sang Mỹ du học. Kỳ Dao trở thành tình nhân của một người thanh niên kém cô tới 20 tuổi. Chân Sếu, người yêu của Thẩm Vĩ Hồng - bạn thân của Vi Vi - nhờ chiếc chìa khóa mà người con trai kia nhờ trao lại cho Kỳ Dao, đột nhập vào nhà giết chết cô để cướp những đồ tư trang đựng trong chiếc hộp khảm mà cô vẫn gìn giữ.
Nhận định
“… Cốt truyện của Trường hận ca rất đơn giản, một cô gái Thượng Hải được sống trong lầu son nhung lụa, bỗng chốc thời cuộc thay đổi, có quan hệ với một thanh niên, về sau bị giết, chết một cách oan khuất. Chuyện rất đơn giản, nghe như một mẩu tin trên mặt báo. Nhưng kể lại câu chuyện, tôi đã đặt nó trong một bối cảnh, cho nên tôi đã viết về ngõ nhỏ, về đàn bồ câu, tất cả những cái đó đều nằm ngoài cốt truyện. Chỉ có bối cảnh ấy câu chuyện mới có giọng điệu riêng.”
- Lời tác giả
“Có những cuốn sách mà ngay từ những trang đầu tiên, qua sự giầu có về ý nghĩa và những liên hệ, qua văn phong đẹp như tạc, ta đã thấy hiện rõ tầm vóc của một tác phẩm cổ điển, đó là trường hợp của Trường hận ca; kiệt tác của Vương An Ức được viết bởi một thứ ngôn ngữ đậm đặc và đa nghĩa đến nỗi luôn luôn là một thách thức cho người dịch đến tận trang cuối cùng. Cuốn tiểu thuyết đã mô tả nhịp sống của một Thượng Hải huyền bí, trải dài trong chằng chịt những ngõ phố, trong xì xào của những đồn đại, dưới những đám mây chim bồ câu mà không một bí mật nào có thể giấu được, trong cả những khuê phòng nơi các thiếu nữ phải kiên nhẫn sống… Mất hút trong cái đô thành vĩ đại ấy là một phụ nữ và số phận của cô: Vương Kỳ Dao, nữ hoàng sắc đẹp của một Thượng Hải rực sáng trong những năm phóng túng cuối cùng trước 1949, với một mối tình bí ẩn với một ông tướng; và rồi nàng phải trốn chạy vào cái “lỗ nẻ của thế giới” khi bóng đêm của Cách mạng Văn Hóa đổ ập xuống đô thành hoa lệ.”
- Philippe Piquier
“Hơn chục năm làm công tác biên tập, tôi đã đọc và biên tập hơn hai trăm tiểu thuyết, nhưng Trường hận ca đã để lại ấn tượng sâu sắc khó quên, đúng là một tác phẩm văn học xuất sắc.”
- Dương Quỳ (nhà văn Trung Quốc)
*******
Trích đoạn tác phẩm
Hôm sau trời mưa, ẩm thấp nhưng ấm áp. Kỳ Dao cầm ô ra đi, khi khoá cửa còn nhìn lại căn phòng, nghĩ bụng có kịp về ăn cơm không nhỉ? Rồi đi xuống gác, mưa sụt sùi, nước lăn tăn trong cống. Nàng gọi xích lô, tuy xe được che bằng tấm vải bạt, nhưng đệm vẫn ướt, cảm giác giá lạnh. Những giọt mưa nhỏ từ ngoài hắt lên mặt nàng. Qua khe hở của tấm vải che mưa, nàng trông thấy lá ngô đồng đã úa vàng, run rẩy dưới bầu trời xám xịt, nghĩ đến Minh Tốn, cha của đứa bé trong bụng mình. Lúc này nàng nghĩ, đứa bé trong bụng đang gây nên những phiền toái sắp không còn nữa. Lưng nàng toát mồ hôi lạnh, tim cũng đập nhanh hơn. Chợt nàng mơ hồ nghĩ, tại sao đứa bé sắp không còn nữa? Khuôn mặt nàng ướt đẫm nước mưa, mưa tí tách nhỏ giọt trên mui xe, tai ù đặc. Nàng nghĩ, mình chẳng có một thứ gì, ngay cả đứa bé cũng không, thật sự trắng tay. Nước mắt lại rơi, nhưng nàng không nhận ra, chỉ biết đang vô cùng căng thẳng, đầu gối run lên, một việc lớn phải được quyết định ngay trong giây lát. Nàng nhìn đăm đắm vào lỗ thủng trên mảnh bạt che mưa ngay trước mắt, ánh sáng lọt qua lỗ thủng còn những sợi vải lua tua. Lỗ thủng này có ý nghĩa gì? Nàng nghĩ. Lại nhìn bầu trời xám xịt tạo nên một vệt lớn ở giữa khoảng trống nối tiếp mui xe và tấm vải che phía trước. Nàng nghĩ, mình đã ba mươi tuổi, ba mươi năm vừa qua không có một thứ gì, hy vọng gì ở ba mươi năm tiếp theo? Trái tim nàng đen đủi quá, đen đủi đến tận cùng lại thấy chút ánh sáng. Xe dừng ngay ở cửa lớn bệnh viện. Nàng nhìn người ra người vào, cảm thấy mình như đứng bên bờ vực. Ngồi phía sau tấm bạt che mưa, nàng rùng mình, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Mưa dày hạt, người qua lại phải che ô. Người đạp xích lô mở tấm bạt che, nhìn nàng bằng ánh mắt kỳ lạ, đó là sự thôi thúc không lời, buộc nàng phải có quyết định. Nàng choáng váng, người đạp xích lô nhìn nàng từ xa, nước mưa lẫn mồ hôi chảy ròng ròng, nàng nghe thấy tiếng nói của mình: “Tôi bỏ quên một thứ, bác đưa tôi về!” Tấm bạt che buông xuống, xe quay lại, đi về phía trước, xuôi gió, nước mưa không còn hắt vào mặt nữa. Đầu óc nàng tỉnh lại, lòng nhủ thầm: Xasa, anh nói đúng, một người đến không được!
Về đến nhà, Kỳ Dao mở cửa, trong phòng tất cả như cũ, mới chín giờ sáng. Nàng ngồi bên bàn, đánh diêm châm đèn cồn, đặt hộp kim tiêm lên, chẳng mấy chốc đã nghe tiếng nước sôi. Lại nhìn đồng hồ, chín giờ mười phút, nếu bây giờ đi bệnh viện vẫn còn kịp. Bận bịu mấy hôm chẳng phải vì việc này hay sao? Nếu không thì đã xong việc lớn rồi, đang ngồi xe trên đường về. Nghe tiếng đồng hồ tích tắc, nàng nghĩ: nếu muộn tị nữa thì không kịp. Nàng thổi tắt đèn cồn, mùi cồn nồng nặc, ngay lúc ấy có người gõ cửa đến tiêm tĩnh mạch. Nàng đành mở hộp kim để tiêm cho khách, nhưng nóng lòng, vội vàng, mong cho chóng xong để đi bệnh viện. Càng vội càng không tìm thấy ven, người bệnh kêu đau. Nàng trấn tĩnh lại, thuốc từ từ vào mạch máu, tình cảm cũng lắng dịu. Cuối cùng người khách cũng gập cánh tay, kẹp bông cồn ra về. Kỳ Dao thu dọn kim tiêm và bông bẩn, mọi cuống vội qua đi, chỉ còn lại sự mệt mỏi và uể oải. Nàng nghe theo số phận, phó mặc tất cả, dù sao thì cũng không còn cách nào khác, cuối cùng rồi cũng xong. Đã đến giờ thổi cơm trưa. Nàng vào bếp, nồi gà hầm từ tối qua vẫn còn đó, nguội lạnh, lớp mỡ đóng thành váng, bắt đầu nhóm lửa, đặt nồi lên, đi vo gạo, nhìn mưa trên kính cửa sổ, nghĩ mình dù sao cũng phải dựa vào Xasa, không đẻ cũng dựa vào anh ta, đẻ cũng phải dựa vào anh ta, Xasa đã giúp phải giúp đến cùng! Mùi canh gà hầm bay lên, đưa đến cho nàng niềm hy vọng. Niềm hy vọng để những gì hiện tại qua đi, thuyền đi đến đầu cầu phải đi ngay ngắn, lùi đến cùng, rồi bất chấp tất cả.
Vào lúc này Xasa đang ngồi trên tàu đi về phía bắc, đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác. Bà cô này anh chưa hề gặp mặt, thậm chí mới chỉ nghe nói cách đây mấy hôm. Ngay cả mẹ cũng là người xa lạ, nói chi đến cô. Sở dĩ anh đi thăm bà cô là để bàn việc về Liên Xô. Anh quyết định về Liên Xô bởi chán ngấy với hiện tại, mong có gì mới hơn. Anh nghĩ con lai cũng có cái hay, nghĩa là có nơi trốn chạy. Việc chạy trốn này bảo là đuổi đi cũng được, tóm lại không muốn nhìn sẽ không thấy, muốn đi thì đi.