Sơ lược về tác phẩm
Thomas More đã viết Utopia trong những năm từ 1515 đến 1516, thời điểm trí tưởng tượng của con người bị khuyấy đảo trước sự mở rộng đột ngột của các quan niệm về thế giới, và miêu tả của Amerigo Vespucci về những cuộc du hành về phía Tây của ông được in lần đầu tiên vào năm 1507, vẫn còn mới nguyên trong trí óc các học giả uyên thâm. More đã tưởng tượng ra một Raphael Hythloday-cái tên phiên từ tiếng Hy Lạp sang có nghĩa là "Thạo những chuyện tầm phào" - một lữ khách đồng hành cùng Vespucci nhưng không trở về sau chuyến du hành thứ ba, mà rời bỏ các bạn hữu để một thân một mình lang thang nơi xứ sở xa lạ. Rồi anh ta đã tìm thấy hòn đảo Utopia-gốc Hy Lạp sáng có nghĩa là "Không ở nơi đâu". Và đó là một địa đàng lý tưởng, được More vẽ nên với một phong cách châm biếm sâu cay lối lãnh đạo quốc sự kiểu Châu Âu, mà cụ thể là kiểu Anh.
Nhận định
Trong suốt năm thế kỷ qua kể từ ấn bản đầu tiên, Utopia vẫn được cả thế giới tìm đọc-bất kỳ lúc nào và ở đâu, nó cũng làm cho người đọc phải giật mình, xúc động, và bâng khuâng suy ngẫm về nhân tình thế thái. Nó nhắc nhở, bàn tán, phân tích, giải thích, gợi ý...về tất cả những vấn đề mới mà bạn và tôi quan tâm hàng ngày, từ truyện trộm cắp nghiện ngập đĩ điếm nghèo khổ tham nhũng cho đến chuyện trách nhiệm của người tri thức, chuyện trọng dụng nhân tài, và tư chất của người cầm cân nảy mực trong xã hội. Nó bàn thế nào là khoái lạc, là hạnh phúc, cái gì là đáng quý, cái gì không. Nó lột trần những giả ngụy của luật pháp hiện hành, những cáo thậm vô lý của thói thường. Giải pháp tín ngưỡng của nó thật đáng kinh ngạc và rất đáng được cổ vũ trong thế giới khủng bố hiện nay. Nó thiết kế một chế độ chính trị vã xã hội mà nó tin rằng sẽ giúp cho con người được no ấm và hạnh phúc. Và nó khẳng định rằng con người là rào cản của chính mình, bắt nguồn từ lòng ngạo mạn, ý thích được hơn người, được coi là quan trọng vốn bắt rễ rất sâu trong mỗi cá nhân.
- Trịnh Lữ
"Utopia được Thomas More viết năm 1516 và là một trong những cuốn sách quan trọng nhất từng được viết. Tại sao vậy? Đơn giản, bởi nó có ảnh hưởng tới nhiều người và thúc đẩy nhiều sự kiện: nó tạo nên sự khác biệt."
- Amazon.com
"Với "Utopia", More đã tìm ra một cách thức mới để huy động những tiềm năng, và cho thấy rằng sự lựa chọn vẫn ẩn kín trong mắt những người không hài lòng với xã hội họ đang sống. Bên cạnh cái tên thể loại là văn chương hư cấu, ông đã đưa ra luận đàm những biện pháp chính trị mới, đồng thời mở ra con đường gắn tiểu thuyết với hiện thực cuộc sống, trong ánh sáng của những điều có thể có và nên có"
- Amazone.com
“Utopia là một bản thống kê đầy đủ những thiếu sót của con người và là một câu chuyện thú vị, nhưng tác phẩm này không phải, và cũng không có ý định trở thành một mẫu hình bao gồm những giải pháp cho thế giới"
- Amazon.com
Nào, nếu họ cất những thứ kim loại ấy trong một nhà kho kiên cố, người dân có thể nghi ngờ rất ngớ ngẩn - bạn cũng thừa biết là dân chúng giỏi nghi ngờ ra sao - rằng có thể ông Thị trưởng và các vị trong Hội đồng thành phố đang lừa dối dân chúng, đang kiếm lợi riêng bằng cách nào đó từ cái kho ấy. Tất nhiên họ có thể chuyển các kim loại ấy thành những bát đĩa trang trí hoặc những đồ nghệ thuật khác. Nhưng như vậy thì mọi người sẽ đem lòng ái mộ chúng đến nỗi sẽ rất đau khổ nếu phải đem nấu chảy hết những thứ đó để trả lương cho lính đánh thuê.
Để tránh những phiền toái này, họ đã nghĩ ra được một giải pháp hoàn toàn nhất quán với những nền nếp xã hội khác của họ nhưng lại trái ngược hẳn với chúng ta - nhất là với thái độ tôn quí của chúng ta đối với vàng. Cho nên có thể là bạn phải kỳ mục sở thị mới có thể tin được. Thế này nhé, tất cả đồ bát đĩa dùng trong ăn uống, dù được thiết kế đẹp đến đâu, cùng đều được làm bằng những vật liệu như thủy tinh hoặc gốm. Nhưng bạc và vàng thì lại dùng để làm những đồ gia dụng khiêm tốn nhất trong gia đình cũng như ở nhà ăn tập thể, tức là làm bô đi ỉa đi đái. Họ cũng dùng xiềng và xích làm bằng vàng khối để cùm giữ nô lệ, và bất kì ai phạm một tội gì đáng xấu hổ đều bị phạt phải công khai đeo vòng vàng ở tai, nhẫn vàng ở ngón tay, kiềng vàng ở cổ, và mũ miện vàng trên đầu. Sự thực là họ làm đủ cách để khiến cho những kim loại này bị khinh miệt. Có nghĩa là nếu họ bất thình lình phải chia tay với tất cả số vàng bạc mà họ có trong kho - một số phận mà ở các nước khác sẽ tương tự như bị moi gan mổ ruột - thì cũng chẳng có một ai ở Utopia thấy ngần ngại lấy một tích tắc.
Đối với các thứ châu báu cũng vậy. Họ có hạt trai ngoài biển, kim cương và hồng ngọc trên núi, nhưng chẳng bao giờ cất công đi tìm. Tuy nhiên, nếu tình cờ gặp phải, họ cũng nhặt chúng và đánh bóng lên cho con nít đeo. Bọn trẻ lúc đầu rất tự hào về những đồ châu báu ấy, cho đến khi chúng đủ lớn để nhận ra rằng chỉ có bọn nhóc ở nhà trẻ mới đeo những thứ đó. Lúc ấy, chẳng cần phải để cha mẹ chúng nhắc nhở, chúng cũng tự động bỏ những vật đó đi vì lòng tự trọng bản nhiên, hệt như trẻ lớn lên sẽ rời bỏ những đồ chơi thuở bé của chúng như búp bê, vỏ sò, hoặc bùa may vậy. Thói quen khác lạ này đã từng gây nên những phản ứng cũng khác lạ không kém, như tôi đã từng chứng kiến ở những nhà ngoại giao đến từ một nước gọi là nước Huênh Hoang.
Những nhà ngoại giao này đến viếng Không Thành khi tôi còn ở đó, và vì họ tới để thảo luận một vấn đề quan trọng nên mỗi thành phố đều cử ba đại diện là thành viên Quốc hội đến tiếp kiến họ. Phải nói rằng trước đó, tất cả những đoàn ngoại giao ngoại quốc từng đến Không Thành đều là từ những nước lân bang ngay bên kia eo biển, do đó đều quen thuộc với những tư tưởng và phong tục của Utopia. Họ đều biết đó là một nước mà quần áo đắt tiền không được ai nể phục, lụa là bị khinh rẻ, và vàng là một từ bẩn thỉu, cho nên họ đều ăn vận giản dị hết mức trong các cuộc hội kiến ngoại giao. Nhưng nước Huênh Hoang thì ở rất xa và chưa có tiếp xúc gì nhiều với Utopia. Họ chỉ biết rằng ở Utopia mọi người đều mặc cùng một kiểu trang phục, mà lại là thứ trang phục khá thô thiển, có thể là vì không có gì tốt hơn để mặc. Và thế là họ bảo nhau áp dụng một chính sách còn ngạo mạn hơn cả ngoại giao, tức là tất cả cùng ăn vận diêm dúa lòe loẹt như thánh thần để làm cho người Utopia phải choáng ngợp trước vẻ hoành tráng của họ.
Khi phái bộ đó đến nơi, thì hóa ra họ chỉ có ba người, nhưng lại được tháp tùng bởi hàng trăm thuộc hạ, tất cả đều mặc quần áo nhiều màu lòe loẹt, chủ yếu may bằng lụa. Còn bản thân ba yếu nhân - vì họ đều là yếu nhân tại quốc gia của mình - thì đều mặc vải dệt sợi vàng, với đầy những xuyến vàng leng keng trên cổ, vòng vàng lủng lẳng trên tai, nhẫn vàng lấp lánh trên các ngón tay. Mũ họ được trang trí với đầy những dải trân châu và các thứ ngọc khác. Tóm lại là họ tự trang bị cho mình với tất cả những thứ mà ở Utopia người ta chỉ dùng để trừng phạt nô lệ, làm nhục tội đồ, hoặc mua vui cho trẻ nhỏ.
Nói thực là không gì có thể làm tôi quên được cảnh ấy. Ba vị yếu nhân nọ với vẻ cực kì tự mãn khi so sánh bộ dạng của mình với người dân bản địa - vì lẽ nhiên là đường phố lúc ấy đông nghẹt người ra xem. Cái hiệu quả mà họ mang lại lúc bấy giờ là hoàn toàn bất ngờ và thất vọng cho họ. Vì bạn thấy đấy, theo quan niệm của người Utopia - chỉ trừ một số ít đã có dịp ra nước ngoài - tất cả những hào nhoáng ấy chỉ là biểu hiện của suy đồi mà thôi. Thế là họ chỉ dành những lời chào hỏi trọng thị cho những thành viên ít lòe loẹt nhất trong đoàn, còn thì hoàn toàn phớt lờ mấy vị quan chức ngoại giao, cho rằng mấy người phải đeo vòng vàng ấy nhất định chỉ là mấy nô lệ mà thôi.
Ôi chao, bạn phải được nhìn thấy vẻ mặt của bọn thiếu niên đã qua thời đeo đồ trang sức khi chúng thấy những châu báu trên mũ của mấy vị đặc sứ kia mới hay. Chúng không ngừng huých mẹ chúng và nói thầm:
“Con bảo này, mẹ nhìn thằng cu lớn xác kia mà xem! Lớn thế mà còn đeo trang sức!”
Còn bà mẹ thì trả lời con bằng giọng nghiêm nghị:
“Suỵt, khẽ mồm chứ con. Có lẽ ông ta là anh hề trong sứ bộ của họ đấy.”
Những chiếc vòng vàng cũng bị người ta chỉ trích rất nhiều.
“Xích gì mà thế kia,” người ta bảo nhau, “mỏng mảnh thế thì nô lệ bẻ được ngay. Lại còn rộng quá thế nữa, hắn lại chả sổng ra mất bây giờ!”
Một vài ngày sau thì những người Huênh Hoang kia mới bắt đầu vỡ nhẽ. Họ thấy rằng có rất nhiều vàng ở Utopia, mà lại rất rẻ mạt, thậm chí ở nhà họ quí vàng bao nhiêu thì ở đây nó bị người ta khinh rẻ bấy nhiêu. Họ cũng thấy rằng một nô lệ bỏ trốn còn mang trên người nhiều vàng bạc hơn cả ba người họ cộng lại. Và cuối cùng họ không còn muốn khoe khoang nữa, cảm thấy hổ thẹn, và vứt bỏ mọi thứ trang sức mà họ vẫn thường tự hào được đeo trên người - nhất là sau khi họ đã có những cuộc chuyện trò thân mật với chủ nhà và đã phần nào hiểu được thái độ và nếp sống địa phương. Ví dụ như người Utopia không thể hiểu được tại sao lại có người mê mẩn được vẻ óng ánh buồn thảm của một hòn đá bé xíu trong khi họ có toàn bộ sao sáng trên trời để chiêm ngưỡng - hoặc làm sao lại có người ngu ngốc đến nỗi tưởng mình hơn người khác chỉ vì mặc quần áo dệt bằng sợi len mịn và nhỏ hơn người ta. Nói cho cùng thì len là quần áo của cừu và không thể làm cho ai thành cái gì hơn cừu được
4.
4 Câu đùa này mượn của Lucian, trong sách Demonax.