Ai đã từng đọc truyện cổ tích Nàng Lọ Lem sẽ không thể quên được chiếc giày thủy tinh nàng đánh rơi khi chạy trốn hoàng tử trong đêm vũ hội. Và chính chiếc giày đó mang Lọ Lem trở về với người mình yêu thương - chàng hoàng tử sẽ bảo bọc cho nàng suốt cuộc đời. Cổ tích là vậy, nhưng với Ai Sẽ Mang Giày Cao Gót Cho Em? nàng “Lọ Lem” lại là một cô gái không chịu yên phận. Ngoài việc chọn lựa sống cùng “hoàng tử”, cô ấy còn muốn tự định đoạt và nuôi dưỡng giấc mơ của mình, muốn đánh cược với tuổi trẻ và không muốn phí hoài thanh xuân. Chàng “hoàng tử” trong truyện cũng không phải là một người đàn ông toàn vẹn, anh ấy chỉ dành trọn trái tim yêu để bảo bọc và chở che cho người con gái anh yêu thương. Đối với phụ nữ, chiếc giày cao gót cũng giống như đàn ông. Không nhất thiết phải sở hữu bề ngoài nổi bật, cũng không cần cầu kỳ xa xỉ. Chỉ cần vừa vặn hợp ý với đôi chân mình, người phụ nữ sẽ đủ tự tin để đi đến bất cứ nơi đâu, luôn luôn có thể mỉm cười hạnh phúc.
Truyện xoay quanh câu chuyện tình yêu của Ngọc Lam và anh chàng sếp Tổng của mình. Ngọc Lam ý thức được một điều rằng, nếu đơn thuần làm “Lọ Lem” thì chỉ việc yêu và tận hưởng hạnh phúc. Với Lam, điều đó không xảy ra, cô chấp nhận thử thách, vén bức màn xám xịt của bản thân kém may mắn. Cô gái luôn mang một tấm chân tình muốn giúp đỡ người bạn có cuộc đời bất hạnh là Bảo - người đàn ông vẫn sẵn lòng đi bên lề cuộc sống của cô, dù cho anh có phải đơn độc một mình... Mối quan hệ giữa ba người là sự gặp gỡ của định mệnh, là trò chơi thời thơ trẻ nhiều ám ảnh, là những toan tính sắp đặt bởi cái được nhân danh “tình yêu”. Giữa ba người còn là một chuỗi những dùng dằng ở và đi: Một người chỉ có thể chấp nhận đi bên lề cuộc sống của một người khác, chỉ cần nhìn thấy người mình yêu hạnh phúc; Một cô gái phải lựa chọn đánh đổi giữa yêu và thương, giữa trách nhiệm và quyền lợi.
Đối với nhiều người, có thể họ sẽ không chọn cách sống như Lam, sẽ không dại khờ chờ đợi một người ngay cả khi người đó không còn là “hoàng tử”, sẽ bám víu vào một người khác dù chỉ là một người đàn ông bình thường nhưng có thể là một cái phao cứu hộ an toàn. Câu chuyện với những tình tiết đời thường nhỏ nhặt đi từ cổ tích đến thực tại. Là cảnh một người đàn ông sẵn lòng cúi người, ướm giày vào chân cho người con gái mà anh ta yêu. Cũng là cảnh một người đàn ông sẵn lòng dẹp bỏ những món ngon thức lạ, đi vào bếp xắn tay áo nấu mì cho người con gái ấy. Hay như cảnh một căn nhà trống người vẫn luôn sáng đèn, như ý niệm của sự chờ đợi. Dù nhà trống nhưng chỉ cần có chút ánh sáng le lói, người ta cũng sẽ không còn cảm thấy cô đơn nhiều nữa. Ý niệm về nhà và tổ ấm thực sự thôi thúc người ta đi tìm hạnh phúc, đuổi theo hạnh phúc và nắm bắt lấy hạnh phúc. Khi đọc những trang viết Ai Sẽ Mang Giày Cao Gót Cho Em? bạn sẽ thấy một câu chuyện tình tựa như cổ tích, nhưng hãy tin, một phần cổ tích là có thật!